国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
TƯ TƯỞNG HÒA BÌNH CHO THẾ HỆ SAU
MAEDOI Tokio (MAEDOI Tokio ) 
Giới tính Nam  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 12 
Năm chấp bút 2009 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 
●Cuộc Sống Trước Vụ Nổ Bom Nguyên Tử
Vào năm 1945, tôi sinh sống tại phố Kusunoki-cho, 1-choume cùng với mẹ Hisayo và hai chị gái. Năm ấy tôi tuy vẫn đang là học sinh lớp 10 trường trung học công lập Misasa nhưng lúc bấy giờ học sinh hầu như không có giờ học ở trường mà được điều động sang làm việc ở các nhà máy hàng ngày. Tôi và 40 bạn cùng khóa được điều động sang làm việc tại Công ty sản xuất xe hơi Nissan ở phố Misasa-honmachi 3-choume. Hai chị tôi cũng vậy, chị lớn Kazue làm việc ở Cục tiền tệ và chị Tsurue làm việc ở Xưởng dệt may.[1]
 
●Ngày 6 Tháng 8
Sáng ngày hôm đó, tôi có mặt tại Công ty ô tô Nissan nơi tôi được điều động sang làm việc. Các bạn cùng khóa được điều động đến Nissan cùng tôi đều được chia ra, mỗi người được phân công một vị trí làm việc trong nhà máy, tôi phụ trách các công việc tạp vụ ở văn phòng như vận chuyển linh kiện đi giao khi nhận đơn hàng từ nhà máy. Thời điểm ấy, tôi vẫn đang bê hai thùng ốc vít trên tay vừa ra khỏi văn phòng, đang đi bộ về phía nhà máy sau khi nhận yêu cầu giao hàng từ nhà máy. Đột nhiên, tôi thấy mình bị bao trùm bởi một vùng ánh sáng màu xanh trắng trông như ngọn lửa bình gas khi đốt, trời đất tối sầm lại tầm nhìn bị hạn chế, tôi thấy cơ thể mình như đang lơ lửng trên không trung. Khi chuông báo động chuẩn bị dứt thì toàn thân tôi rơi vào trạng thái không điều khiển được nữa, trong tích tắc sau đó tôi đã bị trúng bom. Tôi đã nghĩ : “Thế này thì cầm chắc cái chết rồi.”
 
Tôi không rõ là mình đã bất tỉnh như thế trong bao nhiêu phút nhưng khi tỉnh lại tôi thấy mình đang sõng soài trên mặt đất. Một lúc sau, tôi thấy khói lửa tan dần, tầm nhìn rộng ra, lúc ấy tôi nghĩ thầm trong bụng : “Mình vẫn sống”.
 
Có vẻ như lúc trúng lửa bom, tôi đã ngã đè lên một thùng chứa gas rơi gần đó nên tay trầy xướt và bị thương. Trong giây phút ấy, tôi vẫn chưa ý thức được tình trạng của mình, thậm chí tôi còn không cảm thấy đau rát gì, sau này nghĩ lại tôi mới biết thực ra lúc đó phần nào không có lớp quần áo che phủ trên cơ thể tôi đều bị bỏng nặng bởi lúc gặp nạn tôi chỉ mặc một cái quần sooc, bên trên là một chiếc áp phông cổ tròn, đầu cạo nhẵn. Tôi đưa mắt nhìn quanh không hề thấy bóng dáng của các bạn cùng khóa được điều động đến làm việc ở đây cùng mình, tôi đâm lo lắng về tình hình gia đình mình nên quyết định đi về nhà. Vừa bước được vài bước, trước mắt tôi là cảnh cánh cổng lớn của nhà máy bị đổ sập, có chừng 3 người bị đè bên dưới. Tôi cùng một số người đứng gần đó hợp sức để kéo cánh cổng ra khỏi họ, sau đó chúng tôi tôi bảo nhau “Chạy đi thôi, chạy thôi” và rời khỏi nhà máy.
 
●Tình Hình Sau Khi Bị Nạn Trong Vụ Nổ Bom Nguyên Tử  
Phố xá hoang tàn bị vùi lấp bởi những bức tường rào, những ngôi nhà đổ nát và không còn bóng dáng của những con đường. Khắp nơi khét nóng mùi khói lửa như vừa trải qua một trận cháy, người đi trên phố ai cũng bị bỏng, có người còn tay bồng tay bế đưa con cùng tháo chạy. Tôi bước trên những con phố lổn nhổn lớp gạch đá, cây gỗ đổ ngổn ngang, những cây đinh rời ra đâm xuyên qua đế giày chọc thẳng vào chân nhưng thực tình lúc ấy tôi không thấy đau cũng không cảm nhận được điều gì cứ thế bước tiếp. Tôi nghe thấy những tiếng kêu cứu yếu ớt ở bên dưới đống gạch đá đổ nát, nhưng bản thân tôi còn chưa hoàn hồn, trong tình cảnh chẳng khác gì đang rơi xuống địa ngục ấy, tôi cũng chẳng thể làm gì cho họ, trước mắt tôi cần về nhà.
 
Khi lần về đến nhà, tôi thấy ngôi nhà đã đổ sụp hoàn toàn. Tôi đã nghĩ về nhà thế nào cũng có mẹ và chị nhưng không thấy bóng dáng một ai. Cảm giác bất an “Vậy là từ đây tôi chỉ còn một mình” nhanh chóng xâm lấn tinh thần một đứa con trai mới 12 tuổi đầu như tôi, tôi đã đứng chôn chân ngắm ngôi nhà chỉ còn lại đống đổ nát của mình và thầm nghĩ “Thế này thì hết thật rồi”. Đột nhiên tôi nghe thấy xung quanh có tiếng la lớn “Lửa lan đến đấy! Chạy đi!”, mãi cho đến lúc này tôi mới quyết định tháo chạy. Tôi đi bộ sang khu vực tị nạn ở ngoại ô mà gia đình tôi đã quy định với nhau từ trước, ở đây tôi tình cờ gặp Nakamura – một bạn học được điều động làm việc cùng nhà máy với tôi. Cậy ấy đang trên đường tị nạn về gia đình người thân ở Mitakimachi, cậu ấy đã rủ tôi đi cùng.
 
Mitakimachi là khu vực ít chịu thiệt hại trong vụ nổ bom do nằm ở khu vực gần núi, các ngôi nhà ở đây chỉ chịu thiệt hại ở mức bị vỡ kính của sổ thôi. Một người bà con của cậu ấy nói “Cảm ơn trời phật đã giang tay che chở” rồi chìa cho tôi một nắm cơm nhưng tôi thì chẳng còn bụng dạ nào để ăn nên cũng chẳng nuốt trôi miếng nào. Lúc này, tôi mới có thời gian ngồi nghỉ ngơi một lát, cũng chính vì thế tôi mới bắt đầu thấy cơ thể đau nhức và nhận ra bộ dạng bất bình thường của bản thân. Phần nào trên cơ thể tôi không có áo quần đều bị bỏng, vết bỏng bị phồng rộp nước khắp người, mỗi lúc một phồng rộp lên lớn thêm như kiểu sóng dâng. Lúc gặp nạn, đầu tôi cũng không đội mũ nên cũng bị bỏng nặng, đau nhức. Mọi người vẫn bảo con người có nguy cơ mất mạng khi hơn 1/3 cơ thể bị bỏng mà tình trạng tôi lúc đó có khi còn hơn mức độ ấy.
 
Tôi nhớ là khoảng trước ngọ thì trời bắt đầu mưa. Tôi đã tắm rất lâu dưới cơn mưa, để mưa quật vào cơ thể đã bị phơi dưới ngọn lửa của mình, nó khiến tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu. Ngắm kỹ những giọt mưa, tôi thấy chúng lấp lánh như những bọt dầu. Lúc ấy tôi không biết nó là gì nhưng bây giờ nghĩ lại thì trận mưa ấy chính là “cơn mưa đen” chứa đựng chất phóng xạ.
 
Sau đó, tôi chia tay Nakamura bắt đầu đi bộ di chuyển về phía ngôi trường có tên là Yasumura (Quận Asaminami thuộc thành phố Hiroshima ngày nay) – một trong những khu tị nạn của thành phố. Cơ thể tôi lúc đó nóng bỏng rát nên trên đường đi tôi phải hái dưa leo trồng trong ruộng ven đường, vắt lấy nước cốt rồi bôi lên các vết bỏng.
 
Cuối cùng cũng đã đến nơi, lúc này, trong trường có một trạm cứu hộ đã được thành lập, người bị nạn nằm như sắp cá, la liệt trên mặt đất. Tại đây, tôi lần đầu tiên được bác sỹ thăm khám nhưng việc trị liệu chỉ dừng ở mức bôi dầu ăn lên vết bỏng mà thôi. Có quá nhiều người bị nạn trong trường, ngôi trường đã quá tải nên tôi được phân về một khu vực tị nạn khác. Tôi di chuyển về khu tị nạn mới, như một kỳ tích, tôi đã gặp lại chị gái Tsurue của mình ở đó. Chị ấy bị cháy khi đang ở nhà nên bị thương ở vùng đầu được băng bó lại. Cuối cùng cũng gặp lại được người thân khiến cảm thấy an tâm thực sự vì “Mình không còn phải một mình nữa”. Tôi cũng nghe chị bảo mẹ vẫn bình an, chị em chúng tôi cùng đi đến chỗ của mẹ. Mẹ tôi bị nạn khi đang ở bên hè nhà nên bị bỏng phần mặt và vết thương như kiểu bị cái gì đó đâm vào chân. Sau đó, gia đình chúng tôi cũng đoàn tụ sau khi hội ngộ chị Kazue, chị ấy đã gặp nạn khi đang làm việc tại Cục tiền tệ.
 
Gia đình chúng tôi tiếp tục tị nạn ở Yasumura cho đến ngày nhận tin kết thúc chiến tranh. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác an yên vây lấy mình lúc ấy rằng “Tôi sẽ không cần phải ra chiến trường”. Gia đình tôi ở lại Yasumura khoảng 2 tuần, sau đó thì chuyển về sinh sống ở nhà người thân ở làng Gono, huyện Takata (thành phố Akitakata ngày nay).
 
Cơ thể tôi ngày càng kiệt quệ đến mức khiến mọi người xung quanh nghĩ rằng: “Có lẽ thằng bé cũng không còn bao lâu nữa”. Khi có bác sỹ đến thăm khám trong làng Gono, tôi được đặt lên xe bò đẩy đế được điều trị. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bị nạn tôi mới được thăm khám đúng nghĩa, được bôi thứ thuốc màu trắng dùng để trị bỏng. Vì vết bỏng quá nặng nên bác sỹ không cởi được quần áo nữa mà chỉ còn cách dùng kéo cắt bỏ chúng đi để điều trị. Tôi bị sốt cao, không thể tự đi vệ sinh mà phải có người đỡ. Mẹ tôi đã gạt nỗi đau vết thương của mình để chăm lo cho tôi, đứa con út và là con trai duy nhất của bà. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà thức suốt đêm quạt cho tôi cho tôi ngủ, luôn miệng suýt xoa: “Nóng lắm phải không con?”. Khi vết thương gần lành, tôi thường xuyên bị chảy máu cam. Có lúc phải tiêm thuốc đông máu vì máu chảy không ngừng.
 
Sau đó, tôi bình phục dần rồi bắt đầu đi học trở lại ở trường trung học tại địa phương. Trong trường có khoảng 3 bạn cũng trải qua trận nổ bom như tôi và chuyển trường đến đây từ các trường trung học ở Hiroshima.
 
Đến khoảng tháng 09, vì rất muốn xem Hiroshima ra sao sau trận bom nên tôi một mình bắt xe đi đến Hiroshima. Gần khu nhà cũ đã cháy của tôi lúc ấy vẫn có những người hàng xóm dựng lên vài cái lều tạm bợ và sinh hoạt trong ấy nên tôi cũng đã trò chuyện được với họ. Lúc ấy, người ta dựng lên những lều tạm chỉ đủ để che mưa ở khắp nơi. Khi đến thăm nơi mình bị nạn là nhà máy ô tô Nissan, tôi tình cờ gặp lại bác Xưởng trưởng, bác ấy chào tôi “Con khỏe không?” và được nghe bác kể một số chuyện về vụ nổ bom. Khi nghe kể đến chuyện cô nhân viên văn phòng làm cùng tôi đã bị nạn ngay trong văn phòng, đã bị bay mất đôi mắt khiến tôi thấy rùng mình sợ hãi khi chỉ cách đó ít phút thôi mình vẫn còn cùng cô ấy ở trong văn phòng đó. Nhưng tôi đã không có cơ hội gặp lại 40 bạn cùng khóa được điều động đến nhà máy này cùng làm việc với mình, đến tận bây giờ tôi cũng không biết tung tích họ ở đâu.
 
●Tái Xây Dựng Cuộc Sống
Khoảng 2, 3 năm sau, do không thể tìm được công việc ở quê nên tôi quyết định chuyển về sinh sống ở trong nội thành Hiroshima một lần nữa. Vì không có bằng cấp nên cuộc sống của tôi chật vật mãi cho đến khi có công việc chính thức sau này. Để mưu sinh, tôi không ngại làm bất cứ việc gì từ giao báo cho đến công nhân ở các công trường xây dựng.
 
Năm 23 tuổi, tôi kết hôn, khi kết hôn tôi muốn vợ tôi biết toàn bộ câu chuyện về cuộc đời mình, tôi kể cho cô ấy nghe việc tôi là nạn nhân của trận nổ bom nguyên tử. Vợ tôi hiểu và chấp nhận kết hôn cùng tôi. Lúc ấy, báo đài đưa tin rất nhiều về di chứng của những nạn nhân trong vụ nổ bom nguyên tử nhưng chúng tôi đã cố gắng không nghĩ ngợi về những điều ấy. Năm 27 tuổi, tôi sinh con trai đầu lòng, cùng năm đó anh vợ tôi giới thiệu cho tôi vào làm việc ở Toyo Kougyou (Công ty Mazda ngày nay) và tôi chính thức được tuyển dụng. Trước thời điểm này tôi đã phải chuyển công việc rất nhiều lần, anh vợ tôi đã luôn động viên tôi cố gắng vượt qua khó khăn. Tôi đã bắt đầu làm việc ở Toyo Kogyou với quyết tâm tất cả vì tương lai của con mình.
 
●Lo Lắng Về Sức Khỏe
Khi nói chuyện với đồng nghiệp làm cùng ca đêm tại nhà máy, tôi phát hiện ra có một đồng nghiệp cũng là nạn nhân của vụ đánh bom, bị nạn ở ngay cây cầu Aioibashi. Tôi kinh ngạc vì nơi anh bị nạn chính là tâm của vụ nổ. Anh bảo, Ủy ban ABCC (Ủy ban điều tra thương tật nạn nhân bom nguyên tử) đang nhờ anh tham gia điều tra tình hình sức khỏe. Tôi và anh ấy đều là nạn nhân bom nguyên tử, chúng tôi thường tâm sự với nhau về những điều mà mình thấy bất ổn. Tuy nhiên, sau đó sức khỏe anh ấy đi xuống, phải nhập viện, sau đó anh có quay lại làm việc một lần nhưng đã qua đời ở tuổi 50. Tôi vì vậy luôn cảm thấy bất an về sức khỏe của bản thân, tôi còn sống được đến ngày hôm nay đã là một kỳ tích với chính tôi. Tôi làm việc cho đến năm 55 tuổi thì nghỉ hưu.
 
●Suy nghĩ về hòa bình
Lý do tôi quyết định kể câu chuyện của mình là vì càng lớn tuổi, tôi thấy cơ thể càng yếu đi nên ngay lúc này khi còn khỏe tôi muốn kể lại cho thế hệ trẻ được nghe câu chuyện về vụ nổ bom nguyên tử của tôi. Thế hệ trẻ ngày nay không phải sống trong môi trường bắt buộc phải ra chiến trường như ngày xưa, có thể tự do làm điều mình thích nên tôi chỉ mong sao các em có thể hiểu dù chỉ một chút thôi về những điều mà bây giờ các bạn nghĩ là nó không thể xảy ra nhưng nó đã xảy ra vào 64 năm trước, hãy nghĩ về những người đã phải mất đi khi tuổi đời còn quá trẻ, về những nỗi khổ của thế hệ đi trước.
 
Và tôi cũng mong sao các bạn trẻ sẽ đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động vì hòa bình hướng đến một thế giới không còn chiến tranh hạt nhân để thảm họa mà tôi đã trải qua không xảy ra lần nữa. Bất kỳ ai gặp phải thảm họa này đều không phải là điều vui vẻ. Tôi mong có thể thấy một thế giới phi hạt nhân trước khi tôi nhắm mắt lìa trần.
 
 
[1] Xưởng dệt may Hiroshima là xưởng may y phục cho quân đội hoàng gia Nhật Bản nằm ở quận Minami-ku, thành phố Hiroshima
 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語