国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH CHƯA BAO GIỜ NGUÔI
FUJIE Kyoko(FUJIE Kyoko) 
Giới tính Nữ  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử
Năm chấp bút 2010 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 
●Tình hình trước vụ nổ bom nguyên tử
Lúc bấy giờ, tôi đang là học sinh lớp 4 trường tiểu học công lập Ujina. Bố tôi lúc đó 41 tuổi, đang công tác tại Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến, hầu như suốt năm bố không ở nhà, ông lênh đênh trên các tàu quân dụng, ông chỉ trở về ngôi nhà nằm trên phố Ujina-machi (Quận Minami, thành phố Hiroshima ngày nay) của chúng tôi mỗi năm khoảng chừng một lần. Mẹ tôi lúc ấy 31 tuổi, là một nữ hộ sinh, thành phố lúc ấy đã nguy hiểm lắm rồi nhưng do vẫn có bệnh nhân nên gia đình tôi vẫn chưa thể đi tản cư. Gia đình tôi còn có em gái 17 tháng tuổi và bà nội đã 80 tuổi. Ngoài ra còn một đứa em họ con của chú tôi. Chú tôi kinh doanh nhà máy đóng tàu ở bán đảo triều tiên nhưng vẫn muốn cho em nó theo học ở Nhật Bản nên gửi lại cho gia đình tôi chăm sóc.
 
●Ký Ức Về Những Ngày Sơ Tán Trường Học
Vào tháng 04 năm 1945, tất cả học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 của Trường tiểu học Ujina nhận lệnh sơ tán về ba khu vực nằm ở phía bắc của tỉnh là thị trấn Miyoshi, làng Sakugi, làng Funo, tôi sơ tán về Chùa Joujunji ở thị trấn Miyoshi.
 
Thức ăn trong chùa chỉ toàn đậu nành. Cơm là những hạt đậu nành có dính vài hạt gạo còn thức ăn cũng được làm từ đậu nành. Còn nhớ đã có lần, trong chùa xảy ra một vụ mất cắp một nắm cơm nắm trong hộp cơm mà một nam sinh cấp hai mang đến chùa. Tất cả học sinh đang sơ tán tại chùa đều bị bắt ngồi ở chánh điện để tra hỏi ol,“Các trò hãy thành thật khai ra ai đã lấy trộm cục cơm nắm”.
 
Gần ngôi chùa này có một chiếc cầu lớn có tên là Tomoebashi, bên cạnh cây cầu có một đền thờ thần. Trong đền có những cây hoa anh đào - sakura đang sai quả. Các anh chị lớp trên mới leo lên để hái quả anh đào ăn. Tôi tuy không hiểu chuyện gì lại bị các anh chị gọi vào, giao nhiệm vụ đứng ở mé ngoài dưới tán cây để canh phòng. Đúng lúc đó một bác lớn tuổi tức giậm túm lấy tôi. Bác ấy nhìn lên cây và ra lệnh : “Tất cả xuống đây”, các anh chị ấy cụp mũ leo xuống. Trong khi tôi đang khóc mếu máo vì bị bác nắm tay thì bác ấy cất tiếng hỏi: “Mấy đứa từ đâu tới?”. Tôi trả lời : “Dạ chúng cháu ở chùa Joujunji ạ”, vừa nghe thấy thế bác ấy liền bảo “Thôi được rồi ” rồi thả tay tôi ra. Bác bảo : “Đất dưới cây anh đào này đang gieo hành tây và các loại rau củ khác. Các cháu dẫm lên thì sẽ không được ăn rau củ nữa đấy. Lần sau tuyệt đối không được như thế nữa nhé. Thôi, nín đi”. Chiều tối hôm đó, bác ây mang nhiều thức ăn trong đó có cả khoai hấp đến cho chúng tôi. Tuy rằng tôi đã rất sợ bác ấy nhưng bác ấy quả thật rất tốt bụng. Chắc bác nghĩ là chúng tôi bị đói nên mới leo cây để hái quả của cây anh đào.
 
Thỉnh thoảng bố mẹ học sinh cũng gửi bánh trái đến chùa. Tuy nhiên, chỗ bánh kẹo ấy chưa bao giờ vào miệng đám trẻ chúng tôi. Mẹ tôi cũng gửi cho tôi món kẹo đường từ đậu nành rang nhưng đều bị thầy thu hết. Bọn chúng tôi hay kháo nhau chắc là chúng đã vào hết bụng thầy rồi.
 
Ngoài ra, hồi đấy chúng tôi còn vô cùng khổ sở vì đầu đứa nào cũng lúc nhúc chấy. Chúng tôi thường trải báo ra, ngồi lên đấy rồi chải đầu. Sau đó, cả bọn xúm lại ngồi giết lũ chấy đen sì lúc nhúc vì hút đủ máu, kêu bôm bốp. Cuối cùng thì cởi áo sơ mi đang mặc ra đem phơi ở chỗ nắng to ở bên hông chùa.
 
●Ngày 6 Tháng 8
Đúng một tuần trước khi vụ ném bom nguyên tử xảy ra, vì bố tôi về nhà nên tôi đã vội trở về nhà. Tôi dự định quay lại khu sơ tán vào ngày 05 tháng 08 nhưng do không mua được vé tàu nên dời sang ngày 06 tháng 08.
 
Sáng hôm 06 tháng 08, mẹ tôi địu em gái sau lưng để đưa tôi ra ga Hiroshima. Có một bà ở gần nhà tôi cũng đi thăm cháu đang sơ tán ở Miyoshi cùng lên tàu lửa với tôi. Chúng tôi lên tàu lửa tuyến Geibi, tôi ngồi quay lưng lại, ngược hướng tiến về Miyoshi, trước khi tàu đi vào con hầm đầu tiên tôi thấy 3 chiếc dù đang bung xuống. Khi con tàu vừa vào trong hầm thì vụ nổ bom xảy ra trong chớp mắt.
 
Một tiếng nổ rất lớn, nổ đùng đoàng bên tai. Tôi đang ngồi nên không bị làm sao nhưng những người đang đứng trong đó có cả người lớn cũng bị bật ngược về phía sau, ngã chõng chơ. Tai tôi ù đi, đau nhức cảm giác bị nhét đá vào tai, không nghe thấy gì.
 
Khi tàu ra khỏi hầm, chúng tôi thấy rõ những cột khói của vụ nổ bom. Bà lão đi cùng vừa nhìn vừa thốt lên “Ôi, cái gì mà trông đẹp thế nhở”. Một đứa trẻ như tôi lúc ấy chẳng thể tượng đến những chuyện như kiểu “Ôi, chuyện gì đang xảy ra ở Hiroshima vậy nhỉ?”.
 
Khi tàu chúng tôi tới Miyoshi, bà cụ đi cùng mới bảo cho tôi biết “Radio mới đưa tin Hiroshima bị thiêu rụi rồi”. Tuy nhiên lúc ấy, tôi vẫn chưa hiểu tình hình như thế nào, đến trưa hôm đó tôi vẫn đến trường để cắt cỏ. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chiếc xe tải chở người bị nạn ở Hiroshima đến. Tôi sợ hãi nhìn những nạn nhân bị bỏng nặng, từng người từng người một bước xuống xe tải. Có người bị bỏng ở mặt, có người da cháy nhẵn hốc má trở đi, đang dùng tay đỡ đống da chảy thượt xuống ấy. Có người phụ nữ bị rách toạc cả đôi vú. Có người chống ngược cái chổi tre làm gậy, bước đi loạng choạng. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên những hình ảnh đó. Tôi không hoàn toàn sợ mà đúng hơn là tôi vô cùng kinh ngạc.  
 
●Tình hình gia đình sau vụ nổ bom nguyên tử
Khoảng 3 ngày sau vụ ném bom, tôi nhận được liên lạc từ gia đình ở Hiroshima. Sau đó, khoảng ngày 12 hay 13 tháng 08 gì đó, tôi cùng một anh học lớp 6 sống gần nhà tên là Nobu lên tàu lửa về Hiroshima. Bố tôi đã ra đón tôi ở ga Hiroshima. Tôi cùng bố đi học con đường ven chùa Hijiyama để về nhà. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện lúc đó ông nói với tôi về tình hình gia đình và cả suy nghĩ của ông về việc “Cây cỏ ở đây cũng không mọc được trở lại kể từ bây giờ tới 70 năm nữa”.
 
Khi tôi trở về nhà, tôi thấy mẹ băng bó toàn thân bằng một cái ga trải giường. Bà bị bỏng nặng toàn thân, vì vết bỏng đã lên dòi nên phải lấy ga giường bằng quấn lại. Em gái tôi thì mặt bị cháy đen xì. Tay chân bị bỏng nặng, và tất nhiên cũng quấn băng toàn thân. Vì em tôi còn nhỏ dại thấy mẹ như thế thì sợ hãi, khóc không mãi không thôi.
 
Khi vụ ném bom xảy ra, mẹ và em gái tôi đang đợi tàu điện ở trạm dừng cầu Enkou-bashi, Trước đó khoảng 1 giờ, khi có lệnh cảnh báo khẩn cấp, bà hàng xóm để quên cái khăn đội đầu phòng không, mẹ tôi đã cho một bà hàng xóm mượn cái khăn đội đầu phòng không (Boukuuzukin)[1] của mình. Thế nên, khi gặp nạn bà đã trực tiếp chịu bị lửa của bom nguyên tử. Còn em gái tôi khi đó đang được mẹ cõng trên lưng nên phần tay trái chân trái và mặt bị phỏng nặng. Mẹ tôi đã địu e từ sau ra trước, vừa chạy trốn vừa dầm người em tôi xuống những bồn chứa nước dập lửa trên đường đi, bà đã chay về tỵ nạn về Thao trường huấn luyện quân binh phía đông nằm sau lưng ga Hiroshima.  
 
Bà tôi thì bị nạn ở nhà. Nhà tôi không cháy nhưng bị hư hại nặng nề.
 
Bố và em họ tôi đã đi bộ gần hai ngày liền khắp thành phố để tìm mẹ và em gái tôi. Khi bố tìm thấy mẹ, ông thậm chí còn không thể nhận ra mẹ là đàn ông hay phụ nữ vì toàn thân bà toàn sưng phồng lên vì những vết bỏng. Hôm 06 tháng 08 ấy, mẹ tôi đã mặc bộ trang phục mà bà may từ tấm vải bố đã gửi về từ những quốc gia mà ông làm nhiệm vụ. Bà đã phải nghiến răng chịu đựng cắt đi lớp quần áo còn sót lại trên người sau khi bị cháy để cột vào tay em gái tôi nhằm làm dấu. Khi bố và em họ tôi đến tìm, chính em gái 1 tuổi của tôi đã nhận ra và gọi “Anh A ơi” . Bố tôi nhìn miếng vải cắt từ bộ trang phục của mẹ cột trên tay em gái mà tìm được hai người. Lúc đó, mẹ tôi bảo với bố : “Em chắc không sống được nữa đâu, anh đưa con về thôi” nhưng cuối cùng thì bố đã đưa cả hai người lên xe bò kéo về nhà.
 
●Cái Chết Của Mẹ
Mẹ tôi đã mất vào ngày 15 tháng 08. Di hài của bà được đặt trong một chiếc quan tài đơn sơ không có nắp do bố tôi tự đẽo từ một thân gỗ cũ rồi được hỏa táng ở mảnh đất trống sau lưng nhà. Vì cả nhà cùng đốt thi hài mẹ như thế nên mùi khí ám vào nhà gây mùi rất khó chịu.
 
Lời trăn trối cuối cùng của mẹ tôi là lời nói với bà “Mẹ, con muốn ăn một củ khoai tây thật lớn”. Trong thời chiến, lương thực rất thiếu thốn, mọi người phải mang kimono và nhiều thứ khác nhau về quê để đổi lấy lương thực trong đó có khoai tây. Chắc chắn là mẹ đã phải ăn những củ khoai tây thật nhỏ trong số những củ khoai mà bà đã trao đổi được bằng nhiều vật dụng khác nhau. Những củ khoai nhỏ thường đắng chát mà ngày nay thì chẳng ai ăn nổi loại đấy đâu.
 
Mỗi năm tôi đều về đây để cúng và thả đèn hoa đăng cho bà. Tôi vẫn luộc những củ khoai tây thật lớn để dành cúng cho bà. Đến bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy củ khoai tây nào lớn tôi lại ước giá như mình có thể cho bà ăn.
 
●Tình Hình Thành Phố Sau Chiến Tranh 
Gò nổi nằm ở phía trên trường tiểu học Ujina có phạm vi rộng, được sử dụng làm khu hỏa táng người chết. Người ta hỏa táng thi thể người chết bằng cách quây những tấm tôn xung quanh một cách sơ sài. Khi quây những tấm tôn người ta thường để hở một lỗ ở phần đầu người chết. Bọn trẻ con chúng tôi thường bênh cạnh những thi thể đang được hỏa táng để đi bơi ở biển gần đó. Mỗi lúc thế, tôi thường vừa đi vừa nghĩ “Ôi, lửa bây giờ đang cháy đến đầu đấy” hoặc tôi thậm chí còn dẫm lên phần xương cốt đã cháy của họ khi đi qua. Mãi cho đến khi tôi học lên lớp 6 khu vực ấy vẫn còn được sử dụng làm khu hỏa táng.
 
Sau chiến tranh, đời sống rất khốn khó nhưng đó là tình cảnh chung của tất cả mọi người chứ không riêng gì gia đình tôi.
 
●Cuộc Sống Sau Chiến Tranh Của Em Gái
Em gái tuy cùng bị nạn với mẹ nhưng đã được cứu sống. Thời đó, mọi người vẫn bảo một đứa bé gặp nạn nhỏ như em tôi còn sống được thực sự là một kỳ tích. Em tôi đã luôn phải nghe sự nhìn nhận “Con thật may mắn vì đã được cứu sống. Con còn sống là quá tốt rồi” qua lời nói của mọi người mà lớn lên.
 
Tuy thế, bàn chân của em tôi vẫn còn lại một vết sẹo lồi rất lớn, bị biến dạng. Chân em không mang được giày thay vào đó em phải mang guốc gỗ. Thời đó, vẫn còn nhiều người mang guốc gỗ nên sinh hoạt hàng ngày của em không có vấn đề gì, nhưng mỗi lần có các buổi dã ngoại hoặc hội thao ở trường là mỗi lần khó khăn với em vì không thể mang guốc. Không còn cách nào khác, em tôi đành phải mang lồng hai chiếc tất quân nhân để tham gia. 
 
Bàn chân cũng là nguyên nhân khiến em tôi bị kỳ thị ở trường. Thời bấy giờ, người ta còn đồn thổi những bệnh do di chứng bom nguyên tử là bệnh truyền nhiễm nên có những người còn chỉ trỏ vào chân em tôi bảo “Ngón chân con bé sẽ bị thối”, “Đừng có nhìn gần con bé, lây đấy”. Từ khi gặp tai nạn bom nguyên tử đến mấy năm sau đó, thậm chí là cho đến khi em ấy bắt đầu đi học tiểu học, em vẫn bị đối xử như thể là nó một vật trưng bày, thậm chí còn có người xa ở đến để được xem tận mắt.
 
Dẫu thế em gái tôi chưa một lần kể cho tôi hay bà tôi nghe về việc mình đã bị đối xử như thế. Em ấy không bao giờ kể về những đớn đau mà mình mình phải chịu đựng, chỉ luôn miệng bảo : “Bà này, cháu thật may mắn vì còn sống bà nhỉ!”. Em ấy đã luôn muốn nghĩ đúng như những lời mà mọi người đều nói với em từ khi em còn bé xíu rằng “Mình thật may vì còn sống. Đã bị bỏng đến mức ấy mà mình vẫn còn sống đã là quá là tốt rồi”. Mới gần đây thôi, tôi đã đọc nhật ký của em. Trong đó, có đoạn em ấy viết : “Ước gì, lúc đấy mình chết đi có phải là tốt hơn không”, đọc đến chỗ này một lần nữa tôi biết em ấy đã rất đau đớn.
 
Các bác sỹ đã bảo vết thương ở chân em tôi chỉ có thể phẫu thuật sau năm 15 tuổi, vào mùa hè khi em vào trung học cuối cùng em tôi đã được làm cuộc phẫu thuật mà em nguyện cầu chờ đợi bao năm. Em tôi đã luôn bảo “Vào trung học em sẽ mang được giày” và mong chờ nó từng ngày. Tuy nhiên đến cuối cùng, chân của em ấy vẫn không thể mang giày. Các bác sỹ đã sử dụng da ở phần bụng và mông để cấy ghép lên phần da bị biến dạng ở chân nhưng vùng da được cấy ghép lại không tương thích bị biến sắc thành màu đen, còn ngón út thì vẫn bị lệch ra ngoài khoảng 3 cm. Trước khi phẫu thuật, em gái tôi đã háo hức bảo “em sẽ mang được giày thể thao đúng nghĩa” nhưng cho đến bây giờ khi tròn 65 tuổi em ấy vẫn không thể mang được. 
 
Ngón út của em ấy lúc nào cũng bị đau do trầy xướt nên em ấy phải mang một đôi giày thể thao có khoét một lỗ nhưng mang như thế lại khiến phần ngón chân ở lỗ khoét bị thương do trầy xước. Chân của em tôi không có ngày nào không chảy máu. Nhưng nếu bàn chân bị dính máu thì mọi người sẽ thấy nó bẩn nên em ấy luôn dùng kem đánh răng để bôi lên chỗ có vết máu.
 
Em gái tôi đã được gặp bác sỹ Harada Toumin khi thăm khám ở bệnh viện Genbaku, vị bác sỹ đã bảo em ấy rằng : “Cháu có thể đến đây để trình bày bất cứ điều gì ”. Khi tốt nghiệp cấp 3, em nó đã đến xin ý kiến của Bác sỹ Harada và được giới thiệu làm quen với một vị mục sư người Nhật sống ở Los Angeles. Lúc này, nhà tôi cũng không dư dả tiền bạc do bố tôi đã qua đời trước khi em gái tôi vào trung học. Em gái tôi được thầy giáo trung học giới thiệu việc làm thêm, em ấy đã rất chăm chỉ làm việc, đến năm 20 tuổi em ấy đã dồn đủ tiền cho tiền vé một chiều và bắt đầu hành trình sang Mỹ. 
 
Em ấy đã được vị mục sư giúp đỡ rất nhiều và kiếm sống bằng cách làm tại tiệm giặt là. Tôi biết em ấy đã rất vất vả nhưng em ấy vẫn đang cố gắng từ ngày ở Los Angeles. Em ấy cũng đã từng nghĩ cả đời này cũng không thể kết hôn như mọi người nhưng ở bên kia, em ấy đã kết hôn với một người Nhật và sinh được 3 người con.
 
●Câu chuyện ở osaka
Khoảng một tuần sau khi em tôi phẫu thuật chân, tôi đã đến thăm nhà một người bạn sinh sống ở Osaka. Em gái tôi bảo “Sức khỏe em ổn định rồi. Chị cứ yên tâm đi đi”.
 
Tôi bắt chuyến tàu tốc hành tới Osaka vào chiều muộn nhưng do không biết nhà bạn ở đâu nên tôi đến đồn cảnh sát gần đó để hỏi. Một anh cảnh sát trẻ tuổi rất tử tế mất gần một tiếng đồng hồ cùng tôi đi tìm nhà người bạn ấy. Cuối cùng khi tìm thấy nhà bạn tôi, tôi nói lời “Cảm ơn anh” thì anh cảnh sát mới hỏi tôi “Cô từ đâu đến?”. Tôi bảo với anh: “Tôi đến từ Hiroshima”, anh ấy nghe xong thì giật mình bước thụt lùi một bước hỏi lại tôi: “Là tỉnh Hiroshima bị nổ bom nguyên tử ư?”. Tôi trả lời: “Vâng ạ!” thì anh ta bảo: “Tôi, cực kỳ dị ứng với các cô gái người Hiroshima. Chính những cô bị đánh bom nguyên tử ấy” mà vẻ mặt anh ta thì như thể tôi là một con vi khuẩn có thể truyền nhiễm vào người anh ta vậy. Cho đến thời điểm ấy tôi chưa bao giờ nghĩ việc gặp nạn trong vụ nổ bom là một cái gì đấy có vấn đề nên tôi thực sự bị shock nặng.
 
Tôi chưa bao giờ kể cho em gái mình về chuyện này. Tôi kể với cô bạn sống ở Osaka của mình, cô ấy cũng bảo : “Bạn đừng bao giờ kể cho em bạn nghe chuyện này nhé. Con bé sẽ khổ sở lắm.” Từ đó trở đi tôi tuyệt nhiên không bao giờ nói với người khác mình là người Hiroshima.
 
●Câu Chuyện Ở Cửa Hàng Quần Áo
Đây là chuyện xảy ra khi tôi tiếp khách ở quầy quần áo khoảng mười mấy năm trước. Một người khách mà tôi chưa bao giờ biết mặt nghe tên đã nói tên em gái tôi và hỏi: “Chị có phải là chị của bạn ấy?”. Tôi trả lời: “Đúng. Nhưng tại sao chị biết?” thì người ấy bảo mình đã từng sống ở Furue. Thế mới biết người ta đã đồn đại về em gái tôi đến như thế nào.
 
Chuyện này, chuyện ở Osaka và rất nhiều những câu chuyện khác nữa chính là lý do tôi ủng hộ em gái mình sang Mỹ. Tôi đã nghĩ nếu em ấy muốn thoát ra khỏi một nước Nhật đầy định kiến và luôn bị kỳ thị như thế, đi đến một vùng đất mới mà không ai biết em ấy là ai chẳng phải là niềm hạnh phúc đối với em ấy hay sao. 
 
●Ước Nguyện Hòa Bình 
Tôi nghĩ rằng những người chưa từng gặp nạn sẽ không thể nào hiểu hết được nỗi đau thực sự của những nạn nhân. Cũng giống như ngón tay, nếu bị cắt thì mình mới thấy đau chứ người khác bị cắt thì không ai hiểu được nó đau như thế nào. Vì vậy tôi biết là rất khó để chuyển tải hết những nỗi đau mà chúng tôi trải qua.
 
Vết thương mà chiến tranh để lại là vết thương cắt cứa tận đáy lòng. Nó không phải chỉ là những vết thương nhìn thấy được mà còn rất nhiều những vết thương khác mà cho dù có bao nhiêu năm trôi qua đi nữa thì những vết thương đó vẫn xoáy sâu và nhức nhối trong lòng. Em gái tôi rất ghét những câu chuyện liên quan đến chiến tranh hoặc vụ nổ bom nguyên tử ấy, từ nhỏ cứ mỗi lần nghe thấy ai nói về những chuyện ấy nó sẽ lập tức rời đi. Sang đến Mỹ, nó luôn mang những đôi tất chân thật tối màu để che những vết thương và không bao giờ nói bất cứ điều gì liên quan đến vụ nổ bom nguyên tử.
 
Chiến tranh tuyệt đối không nên xảy ra.
 
 
[1] Khăn đội đầu phòng không (Boukuuzukin) được sử dụng tại Nhật trong giai đoạn cuối cùng của Chiến tranh Thái Bình Dương, là miếng vải may đặc biết để bảo vệ vùng mặt và vùng cổ nếu chẳng may bị dội bom trong những đợt không kích của quân địch.
 
 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語