国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
TÔI ĐÃ THẤY ĐỊA NGỤC
KUWABARA Kimiko(KUWABARA Kimiko) 
Giới tính Nữ  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 17 
Năm chấp bút 2011 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 
● Cuộc Sống Trước Khi Bị Đánh Bom Nguyên Tử
Tôi lúc đó 17 tuổi, sống cùng cùng mẹ và chị gái, gia đình ba người chúng tôi sống tại phố Misasahonmachi 3 chou-me, thành phố Hiroshima (Quận Nishi ngày nay). Bố tôi đã mất, ngoài chị gái tôi còn có ba anh trai, anh cả đã kết hôn sống riêng, anh hai và anh ba được triệu tập đi lính ở tỉnh Yamaguchi.
 
Lúc bấy giờ, tôi đang công tác tại phòng tổng vụ của Đài phát thanh trung ương Hiroshima. Đài phát thanh được đặt tại phường Kaminagarekawa (nay là phường Nobori-cho, quận Naka), khu vực xung quanh Đài phát thanh nhà cửa bị phá dỡ liên tục theo chủ trương chiến dịch dỡ nhà giải phóng mặt bằng thành ra trống trơn không khác gì một quảng trường. Tôi vẫn nhớ Đài phát thanh lúc bấy giờ phần lớn đều đưa tin về quân đội nên tất cả cửa sổ đều được gia cố để tránh các cuộc tập kích trên không của quân địch.
 
● Ngày 6 Tháng 8
Sáng ngày hôm đó tôi đến sở làm khá muộn do không thể ra khỏi nhà được vì lệnh cảnh báo khẩn cấp. Sau khi lệnh cảnh báo được dỡ bỏ, khoảng 8 giờ tôi mới đến Đài phát thanh để làm việc. Như mọi ngày, tôi phân chia công việc với mọi người rồi bắt tay vào dọn dẹp. Tôi vào phòng Trưởng ban để dọn dẹp theo đúng phân công thì nghe thấy tiếng một phụ nữ vọng lên từ dưới vườn trong của tòa nhà “B29 đang bay đấy”. Tôi nghe thấy thế liền toan đi đến gần phía cửa sổ để xem chuyện gì, bỗng nhiên tôi thấy bên ngoài lóe lên một luồng sáng. Luồng sáng ấy là một vùng tia chớp màu đỏ thoạt trông như ngọn lửa khi quẹt diêm về sau càng lúc càng mạnh hơn. Tôi lập tức dùng hai tay bịt mắt và tai lại, sau đó ngồi xổm xuống đất. Lúc bấy giờ, chúng tôi đều được huấn luyện để biết phải làm như thế khi bị ném bom. Trong bóng tối, tôi thấy người mình như rơi vào trạng thái không trọng lực, một cảm giác bất thường chảy rần rần trong cơ thể, không hẳn là cảm giác đau đớn cùng không biết phải định nghĩa là gì đã xảy ra, tôi còn nghĩ chắc tôi phải bỏ mạng ở đây mất. Những mảnh vỡ vụn nát văng ra từ cửa kính do trận cuồng phong đã đâm vào mặt và cánh tay trái của tôi, toàn thâm tôi lấm lem máu nhưng lúc ấy tôi không hề nhận thức được tình trạng của mình. Gò má trái của tôi đến tận bây giờ vẫn còn một mảnh kính găm vào chưa lấy ra được. 
 
Tôi bất động như thế một lúc lâu thì bỗng nghe thấy tiếng ai đó khe khẽ ở phía hành lang. Trong phòng tối quá nên tôi cũng không nhìn thấy gì. Dù sao thì trước hết tôi cần phải rời khỏi đây, tôi lần theo phía giọng nói ấy rồi tiến lại phía hành lang và chạm phải lưng một người đàn ông. Tôi mừng thầm “Ơn trời, mình vẫn chưa chết. Cứ chạy theo người này là ổn thôi”. Tôi nắm chặt thắt lưng của người đàn ông ấy và dò dẫm đi theo sau cuối cùng cũng đến gần cửa ra ngoài. Ở cửa ra có rất đông người tập trung đến, chúng tôi cùng nhau đẩy cánh cửa bị kẹt nặng trịch cuối cùng cũng thoát được ra bên ngoài. Trời lúc này đã tối xầm như thể vừa mới rạng sáng, cơ man các thứ từ trên trời rơi vèo vèo xuống đất. Những người chạy thoát ra từ Đài phát thanh ai nấy mặt mũi đen xì, tóc tai dựng ngược, mình mẩy đầy máu, áo quần rách bươm, chẳng ai còn nhận ra ai cho đến khi nghe được giọng nói của nhau.
 
Chúng tôi đều đã nghĩ Đài phát thanh chính là mục tiêu bị nhắm thả bom nên phải chịu thiệt hại nặng nề. Vì vậy, chúng tôi định đi sang Phòng giao dịch khách hàng của Đài phát thanh nằm trong tòa nhà Báo Chugoku ở gần đó thì gặp 2,3 nhân viên nữ làm cùng phòng tổng vụ chạy thoát thân ra phần đất trống bên ngoài. Khi đó, chúng tôi mới biết không chỉ có Đài phát thanh phải chịu thiệt hại. Các tòa nhà xung quanh đều đổ sụp, khắp nơi đều có đám cháy, phòng lấy tin tuy nằm ở tầng 5 và tầng 6 của Tòa nhà Báo Chugoku nhưng bị cháy rụi, lửa từ của sổ bốc cháy dữ dội. Vì lý do đó mà chúng tôi đã quyết định chạy đến công viên Shukkeien gần Đài phát thanh. Trong lúc chạy tránh những đám cháy đang lan đến gần, tôi nghe thấy tiếng kêu la thất thanh của những người bị đè dưới những ngôi nhà bị sụp, tiếng gào thét của những người đang đi tìm người thân nhưng tôi thì không thể làm được gì cho họ bởi bản thân còn đang phải chạy thục mạng để thoát thân.
 
Trong công viên Shukkeien tập trung rất đông người đến tị nạn. Chúng tôi băng qua cây cầu bắt qua một cái hồ trong công viên và đi ra triền sông Kyobashi-gawa. Tuy nhiên, cây cối bên trong công viên bắt đầu cháy, lửa đang bén dần đến triền sông nơi chúng tôi trú thân, cuối cùng những cây thông cao vút ở ven bờ bắt đầu cháy, phát ra những âm thanh dữ dội. Chúng tôi khi ấy đành phải nhảy xuống sông, dầm người xuống nước để mực nước đến ngang ngực mình và quan sát tình hình, lúc này thì phường Osuga-cho ở bên kia bờ sông đã bắt đầu cháy, bụi lửa văng lên từ đám cháy ấy bắn liên tục vào chúng tôi hết đợt này đến đợt khác. Lửa từ đám cháy ở phía bên kia sông và cả đám cháy phía sau lưng quá nóng khiến chúng tôi phải xuống nước rồi lại lên bờ không biết bao nhiêu lần cho đến khi trời xế chiều.
 
Nhiều người nhắm về phía triền sông và chạy tị nạn về đây, triền sông đông đến mức trên bờ còn không có chỗ ngồi. Có lẽ do có binh đoàn nào đó đã đóng quân gần khu vực này mà chúng tôi đã thấy rất nhiều binh sỹ, tuy nhiên tất cả họ tóc đã cháy xém chỉ còn lại phần tóc ở bên trong mũ trông cứ như đang úp một cái đĩa trên đầu, toàn thân cháy đen, oằn mình chịu đựng. Có những người mẹ đứng bất động, trên tay còn đang bế một đứa trẻ, nửa thân trên cháy tả tơi còn đứa trẻ chắc có lẽ đã không còn thở nữa.
 
Tôi nghe thấy những tiếng kêu la không ngớt “Cho tôi ít nước! Nước!”của những người bị bỏng, thậm chí có người còn hét lên “Tôi cần nước!”. Nhiều người bị bỏng, đau đớn quá không chịu nổi phải nhảy xuống sông. Trong số đó có rất nhiều người nhảy xuống nhưng không ngoi lên được cứ thế bị cuốn trôi theo dòng nước. Xác người từ thượng nguồn đổ về nổi lềnh bềnh khắp cả khúc sông. Có lúc xác người trôi dạt về phía chúng tôi, tôi buộc phải dùng tay gạt cho xác chết ấy trôi theo dòng. Lúc ấy tôi không biết sợ mặc cho đấy là những xác chết. Tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh tượng bi thảm còn hơn cả địa ngục.
 
Đám cháy vô cùng dữ dội, không thể dịch chuyển đi đâu nên chúng tôi đã ở lại triền sông ở công viên Shukkeien. Đến khi mặt trời lặn thì có một chiếc thuyền cứu hộ nhỏ đi tìm nhân viên của Đài phát thanh. Nhân viên Đài được hỗ trợ qua bãi cát bên kia sông bằng con thuyền nhỏ đó sau đó được đưa đến trạm cứu hộ ở Trường huấn luyện binh sỹ phía đông nằm ở bờ đông của con sông. Tôi vì quá lo lắng cho mẹ đang ở nhà một mình nên bảo với mọi người rằng mình không đến trạm cứu hộ mà muốn về nhà. Mọi người nghe thấy thế liền can ngăn: “Giờ này mà chị bảo muốn quay trở lại phố đấy à. Chị đừng có ngớ ngẩn thế chứ”. Phố Misasa-honmachi nhà tôi nằm ở phía Tây thành phố Hiroshima nên nếu muốn về nhà tôi phải băng qua khu vực những con phố đang bốc cháy. Mọi người phản đối gay gắt quá nên tôi nhăn nhó bảo là sẽ đi chung với mọi người, sau đó tôi cố tìm khoảng trống rồi lặng lẽ tách đoàn. Khi mọi người nhận ra không có tôi ở đấy nữa thì lo lắng gọi tìm tôi, tôi đành cất tiếng “Xin lỗi mọi người” rồi nhắm thẳng hướng nhà mình mà đi.
 
● Đường Về Nhà
Sau khi chia tay với đồng nghiệp ở Đài, tôi đi đến cầu Tokiwa-bashi bắt qua sông Kyobashi-gawa. Dòng người bị thương từ phía tây của cây cầu hướng đi từ Hakushima nối đuôi nhau băng qua cầu nhưng tuyệt nhiên không có ai đi theo hướng ngược lại. Đúng lúc ấy tôi gặp hai nhân viên đường sắt đang định băng qua cầu cùng hướng với mình. Hai người họ đang trên đường đi đến Ga Yokogawa, tôi cất tiếng nhờ hai người: “Các anh cho tôi đi theo với” nhưng hai người ấy từ chối và bảo: “Đến bản thân chúng tôi còn không biết có thể đi được hay không thì làm sao mà dẫn cô theo. Thôi cô đi đến trạm cứu hộ đi”. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc, cố giữ cách khoảng 4 đến 5 mét lặng lẽ đi theo sau lưng hai người họ, tôi dừng lại khi họ quay lại nhìn rồi lại vội vã đuổi theo khi họ bước tiếp, cứ thế tôi tiến lên phía trước xuyên qua những đám cháy rực lửa. Vì tôi cứ lì lợm bước theo sau nên rốt cuộc hai người họ phải bảo : “Cô đi sau theo đúng vào chỗ chúng tôi đã đi ấy” và ra hiệu cho tôi khi đi qua những nơi nguy hiểm.
 
Chúng tôi đi men theo phía bên hông bệnh viên Teishin, vừa đi vừa cố tránh những đám cháy cuối cùng cũng ra tới cầu Misasa-bashi. Trên cầu những người lính bị thương ngồi chật hai bên cầu, thậm chí còn không có chỗ để chen chân vào. Họ có thể là lính thuộc Quân đoàn 2 ở gần đó, họ đau đớn vật vã rên la. Chúng tôi cố gắng len lỏi làm sao để không dẫm đạp nên những người bị thương kia rồi cũng qua được cầu, sau đó ra tới đường ray của tuyến đường sắt, băng qua đường ray cuối cùng cũng đến được ga Yokogawa. Tôi chia tay hai anh nhân viên đường sắt ở đây, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hai người họ đã dặn dò với tôi “Cô nhớ cẩn thận và về nhà an toàn nhé!”
 
● Gặp Lại Mẹ
Khi còn lại một mình, tôi tiếp tục đi bộ về nhà tôi ở phố Misasa. Trời lúc này đã tối đen nhưng hai bên đường lửa vẫn không ngừng cháy, tôi phải chạy băng qua một đoạn đường khói lửa bùng lên dữ dội. Nhà tôi nằm đối diện với con đường chạy từ Yokogawa qua Misasa lên phía bắc, khi tôi về đến nhà, nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn nhưng tôi đã nhìn thấy bóng mẹ tôi đứng trên con đường gần đó. Quá vui sướng khi thấy mẹ còn sống, tôi ôm chầm lấy bà rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.
 
Khi bom nguyên tử thả xuống, mẹ tôi đang ngồi trước bàn trang điểm ở tầng hai. Các phòng trên tầng 2 nhà tôi bên trong đều bị đổ sập nhưng nơi mẹ tôi ngồi lại là căn phòng ở góc nhà nên không hề hấn gì. Do cầu thang nữa không dùng được nữa nên mẹ nhờ người bắt thang từ bên ngoài mới trèo được ra ngoài.
 
Buổi sáng thì căn nhà chỉ bị sụp nhưng sau đó lửa bắt đầu lan đến gần, đến chiều thì bắt đầu bốc cháy. Mẹ tôi đã nghĩ ít ra cũng phải mang theo chăn đệm để thoát thân đã kịp ném chúng ra ngoài trước khi nhà cháy nhưng những người chạy nạn đi ngang qua đã lượm nó đội lên đầu và chạy đi mất. Thêm nữa, nhà tôi có đào một hầm trú bom ở trong vườn và chôn trong đó một vài thứ quý giá như kimono, khi đám cháy lan đến cả cái hầm trú ẩn đấy cũng bị cháy. Mẹ tôi chạy đi chạy lại dùng xô múc nước từ con sông nhỏ trước nhà để dập lửa nhờ vậy mà kịp đào đống đồ ấy lên nhưng đa phần chúng cũng đã bị cháy bên trong rồi. Những người hàng xóm khuyên bà nên chạy về phía Mitaki nhưng bà lo cho tôi và chị gái nên khi nhà cháy bà chỉ chạy sang đám ruộng bên kia con đường, núp ở đó để chờ hai chị em tôi về nhà.
 
Tối hôm đó, hai mẹ con tôi đã qua đêm trong đám ruộng ấy. Con đường trước nhà tôi nằm ở ngã giao giữa dòng người đến tị nạn và dòng người đi tị nạn, tôi ngồi nhìn mà ngơ ngẩn nghĩ không biết rồi đây sẽ như thế nào. Đến tối, tôi nhận được nắm cơm từ đội cứu nạn, cùng ăn với mẹ, sau đó chợp mặt chưa kịp biết mình đã ngủ hay chưa thì thấy trời bắt đầu sáng.
 
● Tìm Kiếm Chị Gái
Sang đến ngày 07 nhưng dòng người vẫn không ngớt, chị Emiko của tôi vẫn chưa về nhà. Mẹ tôi lo cho chị quá vừa khóc vừa bảo tôi “Không biết con bé có bị làm sao không hay nó chết rồi!”. Tôi không thể ngồi yên mà nhìn mẹ như thế nên đến sang sáng ngày 08 hôm sau, tôi đi tìm chị gái cùng với một người bạn của chị sống gần nhà tôi. Tại đây một lần nữa tôi lại thấy địa ngục.
 
Chị tôi làm việc tại Sở thông tin trung ương Hiroshima tại phố Shimonakan-cho (phường Fukuro-machi, quận Naka ngày nay) Tôi đi bộ dọc đường ray xe điện qua phố Toukaichi từ Yokogawa (phường Tokaichi-machi 1 chome, quận Naka ngày nay). Tàn tích của trận cháy tuy chưa được dọn dẹp nhưng vẫn còn một con đường rộng cỡ một đường ray xe điện, vật vã một hồi chúng tôi vẫn đi qua được. Phố xá ngập xác người, nếu không cẩn thận có thể dẫm đạp lên họ bất cứ lúc nào. Một con ngựa chết mình trương phồng tròn căng trên phố Tera-machi (Quận Naka ngày nay). Một người đứng bất động toàn thân cháy đen hai tay dang rộng ở khu vực phố Toukaichi-machi. Thấy lạ quá nên tôi mới cố nhìn kỹ thì phát hiện người này bị chết đứng. Nhiều người chết chồng lên nhau trong tư thế đầu chốc vào bồn chứa nước cứu hỏa rải rác khắp nơi. Hai bên đường dày đặc xác người, trong số đó có một số người vẫn còn thở, rên rỉ, một số cất tiếng xin “Nước! Nước! ” nhưng tuyệt nhiên không có ai lành lặn. Tất cả mọi người đều áo quần tả tơi, mình mẩy cháy xém, phồng rộp, không khác gì những hình nhân da đen. Nếu chị tôi cũng ngã xuống ở đây với tình trạng như thế thì tôi cũng không thể nào tìm thấy chị. Chúng tôi bước qua những xác người, băng qua cầu Aioi-bashi, đi đến phố Kamiya-cho (quận Naka ngày nay) sau đó thì không thể đi tiếp được nữa nên đành phải quay về Misasa. Trong hoàn cảnh ấy tôi đã nghĩ chị tôi chắc không còn sống nữa.
 
Tuy nhiên, khoảng một tuần sau khi bị đánh bom nguyên tử chị tôi đã tự trở về nhà. Chị tô bị thương nặng do vụ đánh bom tại Sở thông tin rồi chạy lánh nạn sang vùng núi Hijiyama, sau đó được đưa đến phường Kaitaichi-cho thuộc huyện Aki (phường Kaita –cho ngày nay) và được tiếp nhận vào trạm cứu hộ. Chị đã ở đó khoảng một tuần thì nghe được thông tin có một chuyến xe tải đi cứu hộ ở nội thị Hiroshima, chị năn nỉ để được cho lên xe đi cùng về thành phố. Chị bị từ chối một lần, người ta bảo chị rằng những người bị thương nặng thì không được lên xe nhưng vì quyết tâm muốn về nhà nên chị tự tìm chỗ trống nhảy vào sau xe tải, được chở đến phố Tokaichi. Từ phố Tokaichi chị lê lết mãi mới về đến nhà, quần áo rách bươm, mình mẩy đầy máu, giày cọc cạch mỗi chân đi mỗi chiếc khác nhau. Nếu ai không biết mà nhìn thấy bộ dạng lúc ấy của chị ấy lúc đấy chắc sẽ nghĩ chị ấy là người không bình thường. Nhà chúng tôi đã cháy rụi rồi nên chị tôi phải ngủ nhờ trong góc nhà một người bạn của mẹ nhưng chị ấy đã ngủ một giấc say nồng như vừa bước qua giữa ranh giới sinh tử.
 
● Chăm Sóc Chị
Một mảng lưng của chị tôi bị những mảnh vỡ thủy tinh găm vào, phần thịt ở cánh tay rách toạc ra như quả lựu lúc chín bung bét ra. Hàng ngày, tôi đều dùng kim để khảy những mảnh thủy tinh găm trên lưng chị nhưng miệng vết thương thì đã bắt đầu lên dòi. Sau khi chị gái con của gia đình mà chúng tôi đang tá túc chết sau vụ đánh bom, chúng tôi cảm thấy mình đang làm phiền gia đình họ nên quyết định trở về ngôi nhà đã cháy rụi của gia đình mình. Anh trai cả của tôi đến và gom thêm một số vật liệu đã cháy dựng tạm một cái lều vừa đủ để che nắng che sương và chuyển đến đó chăm sóc cho chị tôi. Chị tôi lúc này nằm một chỗ không thể đi đến trạm cứu hộ nên chỉ được người khác chia cho một ít thuốc bôi ngoài da , không được thăm khám điều trị đầy đủ. Tóc chị ấy cũng rụng gần hết, bị thổ huyết, thậm chí không ít lần chúng tôi đã nghĩ có lẽ không còn hy vọng nữa. Mẹ tôi mỗi ngày đều lên núi hái lá diếp cá, sao qua lửa nhưng vẫn giữ màu lá xanh cho chị và tôi uống thay nước trà. Lá diếp cá xanh có mùi rất hôi nhưng mẹ tôi bảo nó giúp đào thải độc tố trong cơ thể. Không biết có phải rau diếp cá thực sự có tác dụng tốt hay không mà chị tôi đã bắt đầu hồi phục và có thể quay lại sở làm mặc dù đã từng không thể ngồi dậy trong khoảng ba tháng. Chị đã dùng khăn và mũ để che đầu cho đến khi tóc mọc hoàn toàn trở lại. Vì những vết sẹo để lại trên người từ đó đến nay chị không thể mặc áo không có cổ, phần cánh tay bị cháy ấy vẫn bị hõm một chỗ cho đến tận bây giờ.
 
● Cuộc Sống Sau Chiến Tranh
Tôi biết tin kết thúc chiến tranh sau khi nghe từ người khác. Mặc dù nghe được tin chiến tranh đã kết thúc nhưng trong đầu tôi lúc ấy vẫn chưa thể tin hoàn toàn. Bởi trong suốt quá trình được giáo dục từ nhỏ đến lớn, tôi luôn tin chắc rằng Nhật Bản tuyệt đối không thể thua trận, cho đến khi vào làm việc ở Đài phát thanh, tôi chỉ nghe những thông tin về chiến thắng và chưa bao giờ nghe nói về chuyện Nhật Bản thua trận. Nhưng khi biết Nagasaki cũng bị ném bom nguyên tử như chúng tôi, tôi đã nghĩ nếu những quả bom như thế bị dội xuống nhiều lần thì chiến tranh nên kết thúc đi thì hơn.
 
Đài phát thanh không thể tiếp tục sử dụng tòa nhà trên phố Kaminagarekawa nên chúng tôi phải di dời vào bên trong khu của Toyo Kougyou ở phố Fuchu-cho, huyện Aki. Tôi phải chăm sóc chị tôi mà khu Toyo Kougyou ở rất xa, tôi không thể ngày nào cũng đi tàu lửa đến đó để đi làm, hơn nữa Quân đội liên hiệp quốc lại vừa mới đến đóng quân gần đấy, tôi nghe người ta đồn Quân đội này thường quấy rối phụ nữ Nhật nên quyết định bỏ việc ở Đài phát thanh. Sau đó tôi xin vào làm việc ở một công ty gần nhà trong khoảng 1 năm, về sau nhờ sự giới thiệu của thầy giáo mà tôi được nhận vào làm việc ở một công ty khác rồi kết hôn.
 
Tôi đã đi bộ khắp Hiroshima trong hai ngày, ngày 06 và ngày 08 tháng 08 nhưng tôi không mắc phải một căn bệnh di chứng nghiêm trọng nào do bom nguyên tử. Mọi người vẫn bảo những căn bệnh đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng tôi chưa bao giờ nói ra sự lo lắng của mình về bệnh tật. Bởi khi nào mắc bệnh lúc đó hẵng hay. Tôi luôn nghĩ rằng điều quan trọng hơn là phải nghĩ xem mình cần phải làm gì tiếp theo.
 
● Suy Nghĩ Về Hòa Bình
Tôi từ trước đến nay đều không muốn nói nhiều về những việc mình là nạn nhân vụ ném bom nguyên tử. Hàng năm tôi vẫn đến viếng Bia tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom nhưng tôi chưa một lần ghé thăm lại công viên Shukkeien nơi tôi đã lánh nạn vào ngày 06 tháng 08. Công viên Shukkeien ngày nay rất xanh và đẹp nhưng cứ hễ nhìn thấy cây cầu cong bắt qua hồ nước là tôi lại nhớ đến cảnh tượng của ngày hôm đó nên tôi không bao giờ muốn ghé qua nơi ấy. Bởi mỗi lẫn nhớ lại nước mắt tôi sẽ tuôn rơi, nghẹn ngào mà không nói nên lời.
 
Phần lớn những người đi qua trận ném bom nguyên tử đã chết đi, những người có thể kế lại câu chuyện của họ sẽ ngày càng ít đi. Tôi bây giờ tuy tuổi tác đã cao nhưng tôi vẫn còn có thể kể lại rõ ràng cảnh tượng như rơi xuống địa ngục ngay trên cõi sống hằn sâu trong ký ức của mình, tôi muốn chuyển tải thật tử tế một thông điệp đến với thế hệ trẻ rằngvũ khí hạt nhân tuyệt đối không bao giờ được sử dụng lại lần thứ hai. Đứa cháu nội đang học tiểu học tôi cũng đã bắt đầu quan tâm đến chiến tranh và hòa bình, cháu hỏi tôi rằng “Bà ơi, bà đã thấy bom nguyên tử à?”. Tôi rất mong chúng ta có thể sống trong một thế giới mà không một ai phải trải qua một ký ức kinh hoàng như thế.
 
 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語