国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
Dù muốn, cũng không thể quên được chuyện của mùa hè năm ấy
SHIMOTAKE Chiyoko (SHIMOTAKE Chiyoko ) 
Giới tính Nữ  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 24 
Năm chấp bút 2009 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 

● Cuộc sống trong thời gian chiến tranh
Tôi sinh ra vào năm 1921 (Năm Taisho thứ 10) ở Tonoga-mura, Yamagata-gun (sau này đổi tên thành Kake-cho và nay là Akiota-cho), tỉnh Hiroshima.

Từ khoảng năm 1940 hay 1941 gì đó, tôi đã rời cha mẹ, đi học trà đạo, cắm hoa, và các nghi thức xã giao khác, theo hình thức nội trú tại nhà một cô giáo dạy về nghi thức, nổi tiếng là nghiêm khắc, ở làng Tsutsuga (Nay là Akiota-cho). Tôi nghĩ là việc này đã có ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống sau này. Vài năm sau, sau khi cô giáo mất đi, được sự đề nghị từ Chủ tịch Ủy ban giáo dục của làng Tsutsuga, tôi thay cô dạy về các nghi thức xã giao. Tôi được nhận thù lao cho việc dạy học từ làng, nên bắt đầu có thu nhập.

Trong hoàn cảnh đó, tôi quen biết anh Kawamoto Hisashi, cháu của trưởng làng  Tonaga và kết hôn với anh vào tháng 5 năm 1944 ( Năm Showa thứ 19). Mối duyên của chúng tôi là do bố tôi làm việc tại văn phòng chính quyền làng Tonoga. Sau khi kết hôn, chúng tôi và bố mẹ chồng tôi (Bố chồng: Kamesaburo, mẹ chồng: Sekiyo), 4 người cùng chung sống ở gần cầu Tsurumi, tại Hijiyama-honmachi, thành phố Hiroshima. Chồng tôi đã từng kinh doanh đồng hồ, nhưng vì trong một khu phố không cần có nhiều cửa hàng cùng lĩnh vực kinh doanh, nên chồng tôi đã đi nơi khác để làm việc. Trong tình cảnh khó khăn thời chiến, thời mà không cần đến 2 người nội trợ ở cùng một nhà, phụ nữ cũng cần đi làm, nên ngay tháng sau tháng kết hôn, tôi bắt đầu đi làm ở Kho vũ khí lục quân ở Kasumi-cho, nơi bố chồng tôi làm việc.

● Trước khi bom rơi xuống
Quê nhà chồng tôi cũng ở làng Tonoga. Mẹ chồng tôi dự định đi tới làng Tonoga vào ngày 3 tháng 8, nhưng sáng hôm đó bà lại đột nhiên bảo: “Con đi trước đi. Mẹ sẽ đi vào đợt lễ Vu lan và ở đó 10 ngày”. Vì thế, tôi đi về quê ở làng Tonoga từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 8. Khi tôi đang băng qua cầu Tsurumi, mẹ chồng tôi đuổi theo, đưa ra một cái ô che  nắng vẫn còn tốt và bảo tôi mang về để ở nhà bố mẹ tôi vì ở Hiroshima, nếu có máy bay tấn công thì chẳng biết sẽ ra sao. Thế rồi, những lời cuối cùng mẹ chồng tôi nói với tôi là: “Cho mẹ gửi lời hỏi thăm bố mẹ con. Con nhớ về đúng ngày mùng 5 như đã hứa nhé.” Tuy nhiên, lúc đó, tôi không nghĩ đó lại là lần cuối cùng. Khi về nhà bố mẹ đẻ, theo lẽ thường, tôi muốn ở lâu hơn dù chỉ một chút, muốn thong thả nghỉ ngơi nên tôi quyết định lên chuyến xe khách cuối cùng vào tối ngày mùng 5 để quay về. Thế nhưng, khi tôi định về, thì bị từ chối không cho lên xe, nên tôi chẳng còn cách nào khác là về nhà bố mẹ đẻ. Bố tôi, khi biết tôi đã không quay về nhà chồng thì mắng tôi một cách nghiêm khắc: “Con người không biết giữ lời hứa thì bỏ đi. Thật là có lỗi với bố mẹ nhà Kawamoto quá.”, và gửi điện tín đến nhà chồng tôi là Kawamoto để thông báo rằng ngày mai, nhất định sẽ bắt Chiyoko quay về.

● Từ ngày 6 tháng 8 đến ngày 9 tháng 8
Ngày hôm sau (ngày 6 tháng 8), đáng lẽ tôi phải lên đường từ sáng sớm vì đã quá ngày hứa, nhưng tôi lại rất thong thả. Nếu như tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm thì tôi đã ở gần tâm nổ hơn khi bom rơi. Thế rồi, đã đến 8 giờ 15 phút. Trong khi tôi cảm thấy có gì đó lóe sáng, một âm thanh rất to vang lên, làm rung chuyển cả mặt đất. Trong lúc đó, nhiều mảnh giấy bị rách hoặc cháy xém có ghi chữ “Thành phố Hiroshima” bay tới, nên tối nghĩ chắc ở Hiroshima đã xảy ra chuyện gì đó. Một lúc sau, quả nhiên có thông báo rằng ở Hiroshima đã xảy ra việc rất khủng khiếp. Tôi đã định về Hiroshima, nhưng có vẻ như phụ nữ và trẻ em không thể đi bộ trong tình hình đó, nên bố tôi đi trước để xem tình hình trong thành phố Hiroshima thế nào. Trước tiên, bố tôi đi đến ngôi nhà mà chúng tôi đã sống ở Hijiyama-honmachi thì toàn bộ đã bị thiêu cháy. Ở nơi ngôi nhà đã cháy rụi, bố tôi thấy một tấm bảng đề rằng mọi người đang ở kí túc xá của Kho vũ khí lục quân nên ông đi tới đó, và gặp được chồng tôi cùng với bố mẹ chồng tôi. Nhưng mẹ chồng tôi đã đang vật vã vì bị bỏng rất nặng, chỉ còn hấp hối. Sau khi kiểm tra tình hình của chồng và bố mẹ chồng tôi, bố tôi đi đến Higashi-Hakushima-cho để xem tình hình của chú tôi. Nhà của chú tôi bị sụp đổ hoàn toàn, nên chú tôi đã đi trú ở khu vực gần Koi. Em họ tôi đã thiệt mạng trong khi đang đi hoạt động giải phóng nhà cửa theo dạng học sinh tập kết lao động.

Bố tôi quay lại làng Tonoga sau khi đã đi một vòng xem tình hình chỗ này, chỗ kia. Được bố báo tin là chồng đang ở kí túc xá của Kho vũ khí lục quân, sáng ngày 8 tháng 8, tôi đi xe khách rồi chuyển tiếp sang tàu hỏa (tuyến Kabe), đi vào thành phố Hiroshima. Dọc đường, ở quảng trường trước ga Kabe, nhiều người bị thương chỉ còn hấp hối đang được để nằm đó. Ở phía đầu họ chỉ để một cái hộp lon. Có những người tới để tìm gia đình, nhìn quanh và gọi tên người thân, nhưng chẳng ai còn đủ sức để trả lời. Nhìn thấy nhiều người bị thương như vậy, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng về gia đình mình.

Tàu hỏa dừng ở gần ga Mitaki, để hành khách đi xuống. Sau đó, tôi mang những thực phẩm nhận từ bố mẹ đẻ như mai muối và gạo, đi đến kí túc xá của Kho vũ khí lục quân. Tuy nhiên, nhà cửa bị cháy hết chỉ còn lại đồng không mông quạnh, nên tôi chẳng biết đi hướng nào, chẳng tìm thấy tòa nhà mà tôi muốn đến, nên tôi cứ đi vòng quanh. Tôi thấy có ánh lửa cháy, nên nghĩ là có ai đó ở gần, định tới hỏi đường, thì khi đến gần, tôi phát hiện ra đó là lửa hỏa táng xác người. Xác người được đốt ở khắp mọi nơi, chẳng cần biết chỗ đó là trên cầu, ven đường hay giữa cánh đồng. Nhìn thấy ánh lửa đốt xác người chết, tôi cũng chẳng cảm thấy gì, cũng chẳng thấy có mùi. Tôi nghĩ các giác quan của tôi đã bị tê liệt.

Vào 3 giờ đêm ngày mùng 9, cuối cùng, tôi đã đến được kí túc xá của Kho vũ khí lục quân. Mẹ chồng tôi đã qua đời, nhưng vì vừa mới chỉ mấy tiếng trôi qua từ khi bà mất, nên thi hài vẫn còn để cạnh đó. Vì mẹ chồng tôi đã đang ở giữa ruộng khi bom nguyên tử rơi, nên bà bị bỏng hầu như toàn thân, cằm và ngực bị cháy hết, hình hài nhìn vô cùng thảm khốc. Theo lời bố chồng tôi, khi không thấy tiếng mẹ chồng tôi rên rỉ như từ trước đến lúc đó, ông đốt nến nhìn thử, thì mẹ chồng tôi đã mất. Ngày hôm sau, bố chồng tôi đóng một cái quan tài gỗ, cho thi hài của mẹ chồng tôi vào đó và hỏa táng ở ruộng khoai.

● Cái chết của chồng tôi
Chồng tôi đang ở trong nhà lúc bom nổ nên hoàn toàn không bị bỏng, cũng không có vết thương nào mà mắt thường nhìn thấy được. Khi nghe thấy tiếng thét của mẹ chồng tôi, lúc đó đang làm việc ngoài đồng, chồng tôi đã chạy ra ngoài để cứu bà.

Tôi tỉnh giấc lúc 5 giờ sáng ngày 15 tháng 8. Chồng tôi bảo tôi rằng: “Vẫn chưa cần phải dậy đâu.”, nhưng vì hôm đó là 7 ngày sau khi mẹ chồng tôi mất, tôi định làm thịt viên để cúng, nên dậy chuẩn bị. Thế rồi, tôi chuẩn bị cháo để 3 người chúng tôi ăn, định gọi chồng tôi dậy ăn, thì không thấy chồng trả lời. Chồng tôi đang nằm cạnh bố chồng tôi ở trong căn phòng rộng 3 chiếu tatami, nhưng anh đã mất trước khi bố chồng tôi kịp nhận ra. Vì ruồi bắt đầu bâu đến xác chồng tôi, nên để có thể sớm hỏa táng, chúng tôi phát tang rằng chồng tôi mất ngày 14, mặc dù thực tế là ngày 15, và hỏa táng luôn vào ngày hôm đó. Lúc đó, bố chồng tôi cũng đóng quan tài và cho thi hài chồng tôi vào đó, đem hỏa táng. Bố chồng tôi đã rất đau khổ khi châm lửa hỏa táng mẹ chồng tôi, nên nhờ tôi châm lửa lần này. Tuy nhiên, cảm giác châm lửa để đốt một người mà đến sáng hôm đó vẫn còn đang thở thật vô cùng khó khăn. Dù như thế vẫn phải hỏa táng, nên tôi đành cố châm lửa, nhưng không thể ở đó lúc lửa bắt đầu cháy. Tôi định đi ra xa nhưng chân run rẩy, không đứng lên được, cũng không thể bước đi được. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành bò về nhà, nhưng do mặt đất còn nóng vì xác người được đốt ở khắp nơi, tôi bị bỏng ở bàn tay, đầu gối và chân.

Ngày hôm sau, tôi đi nhặt xương chồng tôi, cảm thấy lạ lùng là máy bay của địch bay ngay trên đầu mà không thấy còi cảnh báo báo động. Chiến tranh đã kết thúc mà sau đó một khoảng thời gian tôi vẫn không biết.

● Kali xyanua dùng để tự tử
Ở Kho vũ khí lục quân, tất cả nhân viên nữ đều được phát chất kali xyanua. Nó được phát để chúng tôi uống nếu bị lính Mỹ hãm hiếp, vì điều đó vô cùng nhục nhã. Khi chồng tôi mất đi, tôi thấy mình chẳng sống để làm gì nữa, nên định uống kali xyanua. Trong lúc bố chồng tôi đang đi nộp giấy báo tử của chồng tôi tại văn phòng chính quyền, tôi đã uống nước, chuẩn bị rắc kali xyanua vào miệng, thì đột nhiên, trong đầu tôi thoáng hiện lên ý nghĩ không biết bố chồng tôi sẽ nghĩ thế nào nếu về nhà và thấy tôi đã chết. Tôi nghĩ là mình không được chết, mình có nghĩa vụ phải chăm sóc bố chồng, nên đã thôi uống kali xyanua. Tôi cắt đi mái tóc dài của mình, cho vào thiêu cùng với thi hài chồng tôi và nói: “Tha lỗi cho em. Em không thể đi cùng anh. Đây là tình cảm của em.” Nếu không vì bố chồng tôi, thì tôi đã uống kali xyanua rồi.

Sau khi trở về làng Tonoga, tôi vẫn mang kali xyanua theo mình. Một người em trai của tôi thấy vậy, nói là nếu tôi có thứ này trong tay thì chẳng biết được sẽ làm gì, và đem đốt. Tôi không có từ nào để diễn đạt được mùi của chất đó khi cháy.

● Cái chết của bố chồng tôi
Bố chồng tôi đang ở Kho vũ khí lục quân lúc bom nổ, bị bỏng nặng ở lưng. Vì thế, ông luôn nằm sấp khi ngủ. Sau khi chồng tôi qua đời, tôi định về làng Tonoga cùng với bố chồng tôi. Nhưng bố chồng tôi đã mất vào ngày 25 tháng 8. Tôi mới có 24 tuổi mà đã mất đi mẹ chồng, chồng, bố chồng, chỉ còn lại một mình. Tôi đã nghĩ là mình chết cũng được rồi. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng mình có trách nhiệm mang di cốt của 3 người về quê, chuyển cho gia đình, nên chưa chết được.

● Đến làng Tonoga
Cuối cùng, ngày 6 tháng 9, tôi mang di cốt của chồng và bố mẹ chồng về làng Tonoga. Họ hàng của chồng tôi đã tổ chức lễ tang tại nhà của họ. Vào thời đó, tôi rất gầy, thể trạng cũng không được tốt, nên bố mẹ và anh em tôi đều bảo vệ tôi. Tôi nghĩ tôi có thể sống đến ngày hôm nay là nhờ ơn tất cả mọi người. Tôi cảm thấy biết ơn vì mình sinh ra có bố mẹ và anh em. Đến bữa cơm, vì mọi người đều ăn nên tôi cũng ăn theo. Ngày xưa, khi không có gì để ăn, nên khi thấy không muốn ăn, cũng nghĩ là không ăn thì thiệt, nên phải cố ăn. Tôi nghĩ chính như thế lại là tốt.

Sau khi trở về làng Tonoga, tôi quay lại thành phố Hiroshima một vài lần cùng với bố tôi. Mộ ngày, chúng tôi bị một người ngoại quốc, từng là tù binh chiến tranh, đuổi theo sau trong thành phố Hiroshima. Trước đó, chúng tôi đã đi bộ đến nhiều nơi nên đã sẵn mệt, lại còn phải tiến đi trên những chỗ chẳng có đường sau cơn bão Makurazaki. Chúng tôi đã chạy hết sức và trốn được, nhưng đó là một kí ức vô cùng sợ hãi, mà tôi không sao quên được.

● Tái hôn
Tôi tái hôn vào năm 1957. Hôn phu của tôi có 3 con riêng, đứa bé nhất lúc đó được 2 tuổi. Cho tới lúc đó, tôi chưa từng nuôi con, nên lúc đầu, tôi định từ chối. Tuy nhiên, khi gặp lũ trẻ, tôi thấy chúng quá dễ thương, mà bản thân tôi cũng có vẻ sẽ không sinh con được nữa, nên tôi nghĩ được nuôi nấng lũ trẻ này có thể sẽ rất vui, vì thế quyết định kết hôn.

● Tình trạng sức khỏe
Cho tới nay, tôi đã nhiều lần lo lắng về thể trạng của mình. Tôi đã được nhiều bác sĩ chữa trị. Khi tôi đến phòng khám nha khoa, tôi được yêu cầu đưa một bác sĩ nội khoa đến cùng vì máu tôi không ngừng chảy khi nhổ răng.

Khoảng 7 năm trước (năm 2001, năm Heisei thứ 13), tôi phải phẫu thuật vì bị ung thư buồng trứng. Vì ung thư di căn đến ruột, nên tôi phải phẫu thuật lớn, cắt đi 50cm ruột. Bệnh ung thư buồng trứng vốn khó chữa trị, lại thêm việc di căn đến ruột, vậy mà tôi cũng qua khỏi, thật là kì diệu.

Khi bị ung thư buồng trứng, tôi thấy thức ăn đắng, và gần đây, tôi lại bắt đầu thấy đắng nên đến bệnh viện khám, được chẩn đoán là bị tắc ruột, vì thế lại nhập viện.

● Di chứng từ bom nguyên tử
Tôi không bị bỏng trực tiếp do bom nguyên tử, nhưng do ruồi đẻ trứng khắp người tôi, ở tay, chân, lưng nên giòi đã bò ra đầy từ dưới da tôi. Lúc đó, tôi rất đau, như thể bị ruồi trâu đốt. Trên lưng tôi vẫn còn đầy sẹo của lũ giòi để lại, nên tôi không muốn đi đến những nhà tắm công cộng như là suối nước nóng onsen.

Khi bác sĩ ở bệnh viện nhìn thấy lưng tôi, cũng hỏi là tôi bị làm sao. Khi tôi trả lời là do di chứng từ bom nguyên tử thì thường bị hỏi là khi bom nổ, tôi đã đưa lưng ra ngoài hay sao, nhưng không phải như vậy.

Tôi nghĩ rằng hòa bình rất quan trọng và không được gây chiến tranh. Ngay trong gia đình, không hay gì nếu có chuyện hục hặc, chúng ta phải tránh để không xảy ra hục hặc.

 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語