国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
Thật may mắn
MIYACHI Toshio(MIYACHI Toshio) 
Giới tính Nam  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 27 
Năm chấp bút 2009 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 

●Cuộc sống lúc đó
Tôi sinh ra vào năm 1917 ở Nakanosho-mura, Mitsugi-gun (Nay là Innoshima-Nakanosho-cho, Onomichi-shi). Cha tôi làm việc ở Bưu điện Nakanosho còn mẹ tôi làm nội trợ nhưng cũng trồng trọt thêm trên một mảnh ruộng nhỏ. Tôi là con trai đầu trong gia đình, sau 3 chị gái, và một em trai sinh sau tôi 2 năm. Năm 1924, em gái tôi được sinh ra nhưng qua đời ngay. Rồi, mẹ tôi cũng qua đời. Sau đó, cha tôi và tôi, 2 người sống với nhau.

Năm 1939, tôi được lệnh triệu tập nhập ngũ, được phân đến Trung đoàn số 5 thuộc Sư đoàn pháo binh số 5. Tôi được phân đi tới mặt trận chiến trường ở Việt Nam và Trung Quốc trong 3 năm với tư cách là phân đoàn trưởng. Sau khi giải ngũ, tôi làm việc tại Chi nhánh Hikari của Cửa hàng bách hóa Marukashi, do em họ tôi điều hành kinh doanh. Năm 1943, tôi chuyển sang làm việc tại Chi nhánh Hikari của Công ty sản xuất thép Miyaji do ông nội tôi điều hành kinh doanh. Lí do tôi chuyển việc là trụ sở chính của công ty gần nhà cha tôi, nên tôi nghĩ như vậy sẽ tiện cho việc chăm sóc cha. Sau khi chuyển việc, tôi kết hôn rồi sinh con trai đầu lòng vào tháng 4 năm 1944. 

Vào tháng 4 năm 1945, tôi được triệu tập nhập ngũ lần thứ 2. Lần này, tôi đưa vợ con đi di trú ở Innoshima. Lần này, tôi cũng được phân vào Trung đoàn pháo binh số 5, nhưng tôi làm việc tại trụ sở chính của Trung đoàn và đảm nhiệm việc quản lý đăng ký quân ngũ. Vì các đội quân chủ lực được cử đến các chiến trường để bảo vệ lục địa nên số lượng quân sĩ trực tại trụ sở chính rất ít. Trong đó, người đảm nhiệm việc quản lý đăng kí quân ngũ làm những công việc chính là lập danh sách tên của quân sĩ, phát sổ tay quân sĩ…vv, chứ cũng không diễn tập quân sự.

Cấp trên của tôi, Trung sĩ Okada, đến từ Kobatake-mura Jinseki-gun (Nay là Jinsekikogen-cho Jinseki-gun), là một con người rất tuyệt vời. Vì chỉ có 2 chúng tôi làm việc trong cùng một phòng, nên tôi rất được anh quí mến.

Vào tháng 6 năm 1945, tên của binh đội chúng tôi được đổi thành Đoàn pháo binh dự bị Quân khu Chugoku (Binh đội Chugoku số 111). Binh đội của chúng tôi đóng tại phía Tây của Lâu đài Hiroshima, 4 đến 5 tòa nhà 2 tầng được dựng lên ở quanh hào làm doanh trại, với 4 khẩu đội pháo binh túc trực.

●Tình hình trước khi bom nổ
Tôi định về làm việc tại công ty trước đây sau khi giải ngũ. Phía công ty cũng định như vậy. Giám đốc công ty gửi thư đến binh đội cho tôi rằng: “Tôi muốn cậu đến thành phố Hikari để có cuộc họp bàn quan trọng”. Tuy nhiên, đối với tôi, công ty dù sao cũng có liên quan đến họ hàng, tôi không muốn bị nghĩ rằng mình xin nghỉ với lí do như vậy, nên cảm thấy khó khăn để xin phép ra ngoài. Lúc đó, Trung sĩ Okada đã rất tốt bụng, nói với tôi: “Đừng lo lắng. Tôi sẽ xin phép cho chú, cứ an tâm”.  Nhờ vậy, tôi đã xin được giấy phép đặc biệt để ra ngoài, và đi đến thành phố Hikari vào chủ nhật ngày 5 tháng 8. Tôi được phép đi với thông báo rằng mình sẽ quay về binh đội ngày hôm sau là thứ hai ngày 6 tháng 8, trên chuyến tàu hỏa dự kiến đến ga Hiroshima vào 9 giờ sáng.

Ngày 6 tháng 8, tôi dậy từ 4 giờ sáng, ăn sáng và lên tàu từ ga Hikari.Tôi nghĩ là lúc bom rơi vào 8 giờ 15 phút, tôi đang ở khoảng gần trước ga Iwakuni. Do tiếng tàu hỏa chạy ầm nên tôi hầu như không nghe được tiếng động bên ngoài, cũng không phát hiện tiếng bom nổ. Thế nhưng, các hành khách đều nói:“Một đám khói đang dâng lên giữa trời Hiroshima trông như một khinh khí cầu quảng cáo”, và đồng loạt nhìn lên từ các cửa sổ bên phải tính theo hướng tàu chạy. Không có thông báo gì trên tàu, không ai biết chuyện gì đang xảy ra, tàu vẫn tiếp tục chạy, rồi đột nhiên dừng lại ở ga Itsukaichi. Do đoàn tàu phía trước đã dừng lại, nên không thể tiến thêm về phía Hiroshima được nữa, tất cả các hành khách đều bị yêu cầu xuống tàu. Vì tôi đã hứa là sẽ quay trở về binh đội sau khi đến ga Hiroshima vào 9 giờ, nên trở nên bấn loạn.

Trước ga Itsukaichi, khói từ đầu máy tàu hỏa bốc ra đen kịt, tối như đêm. Tối đến mức chỉ có thể lờ mờ cảm thấy là có người đang di chuyển xung quanh. Một lúc sau, khói đen tan bớt, tôi nhận ra một chiếc xe tải của quân cảnh đang đỗ ở gần đó. Tôi nói :“Tôi muốn về chỗ binh đội, xin cho tôi đi nhờ đến Lâu đài Hiroshima”, có vẻ như lúc đó họ cũng vừa xong việc gì đó, nên đồng ý. Có 2 người, hạ sĩ và trung sĩ, đi cùng. Họ đều có vẻ khỏe mạnh, không có vết thương bên ngoài nào, nên có lẽ họ đã không bị trực tiếp hứng bom. Nếu bây giờ họ vẫn còn sống, tôi rất muốn gặp để nói cám ơn họ.

●Tình hình đường phố sau khi bom nổ
Tôi không nhớ chính xác mình đã đi đường nào từ Itsukaichi đến Hiroshima, nhưng tôi nghĩ là đã đi qua một con đường chạy thẳng giữa cánh đồng. Trên con đường đó, từng dòng người dân đang đổ đi lánh nạn. Khi vào đến trong thành phố Hiroshima, chúng tôi chạy dọc theo đường tàu điện. Không biết có phải do mọi người đã đi lánh nạn hết hay không, mà thành phố không có bóng người, đến cả chó hay mèo cũng không thấy đâu.

Tôi đã xin được đi nhờ đến Lâu đài Hiroshima nhưng họ thả tôi xuống ở trước cầu Aioi. Từ cầu Aioi về đến chỗ binh đội rất gần. Tôi nghĩ là tôi có thể đi bộ về, nhưng mặt đường bị thiêu nóng rẫy, nên tôi đã không đi bộ qua được. Tôi đã cuốn xà cạp quanh ủng buộc dây, nhưng cũng không tiến đi nổi đến một mét, chỉ biết đứng lại ở trước cầu Aioi.

Ở cầu Aioi, tôi cứ tiến 50cm lại lùi 50 cm, lặp đi lặp lại mấy lần như vậy, thì khoảng 1 giờ đồng hồ đã trôi qua. Đột nhiên, trời đổ mưa lớn đến mức hạt mưa như kim đâm vào da. Cơn mưa màu đen, khiến cho cả vùng như bị đổ dầu loang ra. Khi tôi đưa tay lau mặt bị mưa ướt, thì không cảm thấy có vẻ là dầu. Giữa đồng trống không đã bị thiêu cháy hết, không có một chỗ nào để trú mưa, nên tôi đành để mưa ướt toàn thân, đứng đợi mưa tạnh.

Sau khi mưa tạnh, không khí đột nhiên trở nên mát mẻ, khác hẳn với lúc trước, như là trời mùa thu. Con đường nóng rẫy lúc nãy cũng được mưa làm cho nguội đi, nên tôi có thể đi bộ lên được.

Khi tôi trở về đến binh đội, thì doanh trại đã ở trong tình trạng rất thảm hại. Các tòa nhà bị vỡ vụn, bị thiêu thành tro, bị mưa rửa trôi đi, sạch sẽ như thể chưa từng có gì ở đó. Trung sĩ Odaka bị bỏng toàn thân, trong tình trạng gần như chết, nhưng vẫn còn đang thở. Do anh bị bỏng làm thân hình biến dạng, tôi không nhận ra đó là Trung sĩ Okada. Khi Trung sĩ Okada gọi tôi: “Miyachi, thật may mắn” tôi mới nhận ra. Sau đó chúng tôi tạm thời chia tay. Đến chiều tối, khi tôi quay lại chỗ đó thì Trung sĩ Okada đã được đưa đi đâu đó, không còn ở đó nữa. Kí ức của tôi cũng không được rõ ràng lắm, nhưng hình như, vào ngày 6 tháng 8, ngay sau khi cơn mưa màu đen đổ xuống, ở quãng bên kia Yokogawa, tôi đã gặp Đại tướng Hata Shunroku của Tổng tư lệnh quân sự, tập đoàn quân đội số 2. Trợ lý ở cạnh Đại tướng ra lệnh: “Cõng Đại tướng Hata qua sông Tenma đừng để Đại tướng bị ướt”. Đại tướng Hata có vóc người nhỏ bé, nên tôi làm theo lệnh, cõng ông qua sông mà không hề thấy nặng.

●Hoạt động cứu hộ
Ở khu doanh trại phía Tây, khoảng 90 binh lính còn sống sót sau vụ nổ bom tập hợp lại. Các binh lính này có nhiệm vụ hỏa táng xác người chết. Hôm qua là 250 người, hôm nay là 300 người, số xác chết được đem đi hỏa táng rất nhiều.

Điều lưu lại ấn tượng với tôi khi làm việc này là, ở cầu thang của Lâu đài Hiroshima, có 2 xác chết của binh lính Mỹ đang nằm lăn lóc. Vào thời đó, ở tòa nhà gần Lâu đài Hiroshima là nơi giam giữ các tù binh Mỹ, nên có lẽ 2 người này nằm trong số tù binh đó.

Vào ngày 6 tháng 8, vì không có gì để ăn, tôi đã dẫn theo 30 binh lính dưới quyền đi đến Tòa thị chính để đàm phán nhận bánh mì khô. Trái với dự kiến, chúng tôi tranh cãi với phía Tòa thị chính, và không được nhận bánh mì khô. Hôm đó, chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành hòa đường với nước sôi để uống, hòng xua đi cơn đói. Từ ngày 7 tháng 8 trở đi, chúng tôi được phát cơm nắm và bánh mì khô nhờ vào hoạt động của đội cứu hộ từ ngoài thành phố đến.

Chúng tôi tiếp tục hoạt động cứu hộ đến cuối tháng 8, và ngủ ngoài trời trong suốt thời gian đó.

Ngày 31 tháng 8, cuối cùng cũng có lệnh giải tán binh đội. Khi giải tán, các tài sản trong kho của quân đội được chia cho các binh lính. Tôi được nhận quân phục và chăn. Trong số những binh lính xuất thân từ nông dân, có người được nhận ngựa chiến, cưỡi ngựa đi về nhà.
Ngày 1 tháng 9, tôi lên tàu từ cảng Itosaki, đi về Innoshima.

●Về bệnh tật
Khoảng 2 tháng sau khi trở về Innoshima, trong lúc đang đi tiểu ở ruộng, tôi ngạc nhiên thấy khoảng 1,8 lít nước tiểu màu nâu chảy ra. Sau đó, tôi tiếp tục đi tiểu ra nước màu nâu, rồi đến năm tiếp theo, tôi phải nhập viện vì bị rối loạn tiêu hóa. Sau đó, tôi lại phải nhập viện vì đau gan. Năm 1998, tôi nhập viện vì bị ung thư bàng quang và hiện nay vẫn đang tiếp tục điều trị.

Tôi nhận sổ theo dõi sức khỏe dành cho nạn nhân bom nguyên tử vào tháng 9 năm 1960. Trước khi nhận sổ, tôi cũng băn khoăn nhiều về việc mình có nên nhận hay không, nhưng vì cũng có sự khuyến khích của Tòa thị chính nên tôi đã nhận sổ. Sau đó, mỗi lần bị mắc các bệnh mà nguyên nhân có vẻ là do di chứng của bom nguyên tử, tôi thấy may mắn là mình đã nhận sổ.

●Cuộc sống sau chiến tranh
Sau chiến tranh, tôi mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Innoshima. Vì đó là một cửa hàng tạp hóa ở nông thôn, nên không chỉ bán thực phẩm mà kiêm cả xay gạo, xát lúa mì, lọc dầu, sau này còn kinh doanh cả thiết bị điện gia dụng nữa. Cuộc sống cũng không hẳn là dễ dàng, nhưng tôi cũng bằng cách này, cách khác xoay sở được, cho các con học được đến tận đại học.

Năm 1946, con gái đầu của tôi ra đời nhưng cả mẹ và con đều mất ngay sau đó. Năm 1947, tôi tái hôn với vợ tôi bây giờ và sinh ra con trai thứ hai, thứ 3 rồi con gái thứ hai. Những đứa con sinh ra sau chiến tranh đều có thể trạng yếu, khiến tôi lo lắng rằng đó là do di chứng từ bom nguyên tử từ tôi. Vợ tôi hình như có nói với con gái thứ hai của tôi rằng không được tiết lộ mình là thế hệ thứ 2 của nạn nhân bom nguyên tử, vì điều đó có liên quan đến chuyện kết hôn.

●Về người cấp trên đã mất vì bom nguyên tử
Tôi nghĩ rằng nếu chiến tranh còn tiếp diễn, thì Nhật Bản hẳn đã rơi vào tình trạng vô cùng thảm thiết. Tôi nghĩ rằng, có được hòa bình ngày hôm nay, là nhờ sự hi sinh của rất nhiều người.

Tôi đã tránh được việc trực tiếp hứng bom mà còn sống được như thế này là nhờ ơn Trung sĩ Okada lúc đó đã tốt bụng xin cấp phép cho tôi ra ngoài. Tôi không nắm được tin tức gì từ sau khi gặp anh vào ngày 6 tháng 8, nghe anh gọi lần cuối cùng: “Miyachi, thật may mắn”, nên lòng băn khoăn mãi không nguôi. Hiểu được tâm tư “Muốn bày tỏ lòng biết ơn đến anh” của tôi, các con tôi đã tìm kiếm trên Internet, rồi còn gọi điện đến từng ngôi chùa để tìm nơi đặt mộ của Trung sĩ Okada.

Năm 2007, cả gia đình tôi đã đến viếng mộ Trung sĩ Okada. Được đến viếng mộ, bày tỏ lòng biết ơn đến Trung sĩ Okada, cuối cùng tôi cũng thấy như nhấc được tảng đá đè trên ngực xuống.

 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語