国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
Cảm nghĩ về mẹ tôi
KAWAGUCHI Hiroko(KAWAGUCHI Hiroko) 
Giới tính Nữ  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử
Năm chấp bút 2008 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 

●Tình hình trước ngày 6 tháng 8
Lúc đó, gia đình chúng tôi gồm có 4 người là mẹ tôi, anh trai, chị gái và tôi, sống ở Kamitenma-cho. Cha chúng tôi, Omoya Toshio, mất năm 1938 trong cuộc chiến tranh ở Trung Quốc. Khi cha mất, tôi còn nhỏ, nên chỉ biết mặt cha qua ảnh. Tôi nghe kể rằng, tôi thường nhìn ảnh thờ của cha ở nhà và nói: “Không ai mang cho cha đôi guốc gỗ của cha, nên cha không bước ra từ ảnh được.”

Mẹ tôi, Shizuko, đã thân gái một mình nuôi nấng chúng tôi. Mẹ là người coi trọng giáo dục hơn người, nên trong hoàn cảnh chiến tranh cũng cho tôi học nào là luyện viết chữ, múa ba lê. Khi anh trai tôi thi vào Trung học cơ sở cấp 2, ngày nào mẹ cũng đến khấn ở đền đến 100 lần. Dường như vì mất chồng, mẹ đã nghĩ: “Mình chỉ có thể để lại cho con cái sự giáo dục.”

Vì lẽ đó, mẹ tôi làm đến mấy nghề một lúc, ngày nào cũng quần quật từ sáng đến tối. Khi mẹ tôi làm việc đi phát báo buổi sáng, anh trai và chị gái tôi cũng giúp mẹ. Tôi nhớ rằng lúc đó tôi còn nhỏ những cũng đi đằng sau theo gia đình.

Tuy ngày nào mẹ tôi cũng làm việc rất bận rộn, nhưng may sao có gia đình chú tôi sống ở trong cùng khu phố, gia đình ông tôi sống ở Hirose-motomachi cũng gần đó, và vì hàng xóm thời đó cũng đối đãi với nhau như người trong nhà nên mọi người cùng giúp đỡ, trông nom chúng tôi.

Khi đó, ở rất nhiều trường phổ thông cơ sở tổ chức di trú tập thể, hay di trú đến nhà người thân của học sinh ở vùng nông thôn. Lúc đó, tôi đang học lớp 3 Trường phổ thông cơ sở Tenma, đã tham gia di trú tập thể đến một ngôi chùa ở Yuki-cho, cùng với chị gái tôi là Sumie, lúc đó học lớp 6 cùng trường. Mặc dù, hàng tuần, mẹ tôi và anh trai tôi là Toshiyuki, mang khoai…vv đến thăm chúng tôi, nhưng đối với những đứa trẻ nhỏ như chúng tôi, phải sống xa cha mẹ vẫn rất khổ sở. Mẹ bảo: “Nếu chết thì mẹ con cùng chết”, thế là tôi cũng nói: “Con muốn về, muốn về rồi”, và cùng về nhà ở Kamitenma-cho. Bây giờ nghĩ lại, có khi nếu chúng tôi cứ ở lại nơi di trú, thì lúc bom nổ, mẹ và anh trai tôi có lẽ cũng đã đến đang gặp chúng tôi, vì thế có thể mọi người đều đã được bình an, khỏe mạnh.

●Tình hình ngày 6 tháng 8
Ngày 6 tháng 8, tôi được nghỉ học nên cùng bạn đi chơi ở gần đó.

Thấy máy bay B29 vừa bay vừa nhả khói, tôi lập tức lấy hai tay che mắt và tai. Thời đó, chúng tôi được huấn luyện là nếu thấy bom rơi, thì phải che mắt và tai nên tôi làm như vậy một cách vô thức. Vì che mắt lại, nên tôi không nhìn thấy ánh sáng lóe lên.

May sao, chỗ tôi ở lúc đó là hiên của một ngôi nhà, nên nhờ được che chắn bởi bức tường, tôi không bị thương và cũng không cảm thấy sức nóng. Bạn đi cùng tôi cũng chỉ bị thương nhẹ ở đầu, nên chúng tôi cố sức len ra khỏi khe của ngôi nhà, và về nhà.

Khi tôi về nhà, mẹ tôi đã bị thương do bom và đang đợi tôi. Hôm đó, mẹ tôi ra ngoài để đi nhận gạo được cấp phát, trên đường về thì bị trúng bom. Mẹ tôi nhanh chóng đưa tôi đi trốn, chỉ mang theo túi đồ cứu thương.

Khi nhìn ra xung quanh, tôi thấy các ngôi nhà đổ nát và thành cầu đang bốc cháy. Chúng tôi băng qua cây cầu đó, đi về hướng Koi. Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy một người bị cháy đen thui đang cầu cứu: “Cho tôi xin nước, cho tôi xin nước.” Nhưng chúng tôi đang phải cố hết sức để chạy trốn nên chẳng giúp được gì cho người đó. Đến bây giờ, tôi vẫn còn hối hận đã không hỏi dù chỉ là tên của người đó.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Trường phổ thông cơ sở Koi, và tôi nhận ra mình đang chân đất. Chạy trốn trong đống vụn nát như vậy mà tôi lại không hề bị thương.

Ở trường, trong lớp học và hành lang đều có rất nhiều người bị thương. Mẹ tôi được sơ cứu các vết thương. Mẹ tôi bị bỏng nặng ở khắp tay, chân và lưng, mặt cũng bị bỏng nhẹ, rồi đầu cũng bị toác một vết lớn. Mẹ tôi chỉ được bôi thuốc một chút rồi thôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không chắc lúc đó mẹ có được bôi thuốc thật không.

Sau đó, tôi cùng mẹ đi đến nơi lánh nạn đã được chỉ định của khu phố ở Ogawachi-machi. Khi chúng tôi vừa đến nơi lánh nạn thì trời đổ mưa đen kịt. Chúng tôi nhặt một tấm tôn rơi gần đó, và trú mưa dưới đó. Vừa lúc mưa tạnh thì anh trai tôi, Toshiyuki, đi tới.

Lúc đó, anh trai tôi đang học năm thứ 2 ở Trường Công nghiệp Matsumoto, và đang đi làm việc theo dạng học sinh tập kết lao động ở một nhà máy ở Kanawajima ở gần biển Ujina. Trong lúc đang cùng bạn đi đến nơi làm việc, anh bị trúng bom ở gần cầu Miyuki, nhưng do lo lắng về gia đình chúng tôi, anh không đi đến nơi làm việc nữa mà quay về nhà. Ở gần trụ sở chính của Công ty Tàu điện Hiroshima, cả bên đường đều bốc cháy, không thể đi qua được, anh đi hướng Trường trung học cơ sở cấp 2 Shudo, băng qua sông Motoyasu và sông Ota bằng thuyền, rồi sau đó đi qua cầu và đến khoảng trưa mới đến được Kannon-machi. Trên đường, anh đi qua một nhà trẻ bị sập, có người bị đè dưới tòa nhà đổ nát và cầu cứu, nhưng anh đã không thể giúp được họ. Anh trai tôi đã vội vã về nhà càng sớm càng tốt để xem liệu gia đình có được an toàn hay không. Anh nói rằng anh thấy vô cùng tội nghiệp cho họ.

Tôi được nghe kể sau đó rằng, khi về đến nhà, thấy lửa cháy đến sát hông nhà, anh vội vàng lấy xô cứu hỏa, và dập tắt lửa. Sau đó, không thấy ai ở nhà, nên anh đi đến Ogawachi-machi để tìm chúng tôi, và chúng tôi đã được đoàn tụ.

Sáng ngày mùng 6, hình như chị gái tôi có nói: “Con không muốn đến trường.”. Nhưng mẹ tôi muốn chị tôi tiếp tục học lên trường Trung học Phổ thông nữ sinh Yamanaka nên không cho phép chị nghỉ học. Sáng hôm đó, mẹ tôi như thường lệ, đã đưa chị tôi đến trường, nhưng chị tôi đã không trở về.

●Tình hình sau ngày 7
Ngày hôm sau, anh trai tôi đến Trường phổ thông cơ sở Tenman để tìm chị gái tôi vì không thấy chị về. Anh trai tôi nghe nói hôm đó, chị gái tôi đang dọn dẹp ở phòng hiệu trưởng nên định tìm quanh đó, nhưng trường học đã bị sập bẹp dí, tất cả đều đã cháy thành tro và không còn gì sót lại.

Mẹ tôi, anh tôi và tôi lưu lại nơi lánh nạn ở Ogawachi-machi chừng 2,3 ngày, rồi sau đó, chúng tôi về nhà vì mẹ tôi lo lắng cho chị tôi.

Sau khi về nhà, mẹ tôi nằm liệt giường ngủ mê mệt. Mẹ chỉ được sơ cứu vết thương đúng một lần là lúc bôi thuốc ở Trường phổ thông cơ sở Koi.

Nhà của chúng tôi may mắn còn sót lại, nên hàng xóm đến nhà chúng tôi lấy chăn nệm để dùng. Thấy như vậy, cô tôi là Omoya Sueko tức giận: “Thế là thế nào? Sao lại cho mọi người chăn nệm mà không đắp cho mẹ?”. Anh tôi mới là học sinh năm thứ 2 trường Công nghiệp, tôi mới là học sinh lớp 3 phổ thông cơ sở, nếu nói theo bây giờ là tuổi học sinh trung học cơ sở và tiểu học. Chúng tôi chỉ là trẻ con, chẳng làm được gì. Từ khi cô tôi đến, cô tôi đã chăm sóc bệnh tình cho mẹ tôi và chăm sóc chúng tôi. Ở nhà cô tôi, chồng cô, tức em trai của cha tôi là Shigeo đã được triệu tập đi đóng quân ở Yamaguchi, nhưng vì vợ và con gái là Nobue, đang ở Hiroshima nên 2 ngày sau, chú đã quay lại Hiroshima. Nếu không có cô và chú tôi, chỉ có lũ trẻ con chúng tôi, thì chắc là đã vô cùng khổ sở.

Mừng sao vết bỏng ở mặt của mẹ tôi đã nhanh chóng lành, nhưng vết bỏng ở lưng thì mãi không lành. Khi vết bỏng ở lưng đã khô tưởng như lành thì đột nhiên, da bong hẳn ra. Đằng sau lớp da, giòi bám đầy bề mặt. Trước khi chúng tôi kịp phát hiện ra, giòi đã sinh sôi, bám đầy lưng mẹ tôi, không thể nào lấy hết ra được. Mẹ tôi nằm ngủ trong màn, tôi và anh trai nằm ngủ cạnh mẹ. Tôi không thể nào lờ đi mùi hôi thối của đám giòi đang sinh sôi.

Mẹ tôi bị thương nặng như vậy nhưng không hề kêu “đau” hay “ngứa” cũng không đòi uống nước. Nhưng mẹ chỉ nói: “Tôi muốn ăn đào, tôi muốn ăn đào.” Nên cô tôi đã đi đến Inokuchi để mua cho mẹ tôi. Bây giờ nghĩ lại, chắc hẳn là mẹ khát nước lắm.

Sáng ngày mùng 4 tháng 9, mẹ tôi mất. Khi cô tôi nói với tôi : “Này, cháu, mẹ chết rồi kìa.”, tôi mới nhận ra là mẹ tôi đã qua đời. Cho đến lúc đó, cả tôi và anh tôi đều không nhận ra. Bây giờ nghĩ lại, mẹ tôi bị thương vỡ đầu nặng như thế mà sống được đến một tháng. Khi đội lính đến đưa những người bị thương lên xe tải để ra ngoại ô lánh nạn, mẹ tôi kiên quyết không rời nhà cho đến khi biết được tung tích của chị tôi. Trong những người cũng bị thương như mẹ tôi, có những người đã được chữa trị ở ngoại ô và khỏe mạnh trở lại. Mẹ tôi chỉ hết lòng lo lắng cho người chị không trở về của tôi, và đã cố sống để được gặp chị tôi.

Gia đình chúng tôi hỏa táng cho mẹ ngay ngày mẹ mất ở nơi từng là Koseikan. Tôi không có cảm giác buồn, cũng không khóc. Có lẽ tôi đã bị tê liệt hết cảm xúc. Hôm đó trời mưa, thi hài của mẹ tôi mãi không cháy hết.

Trong thành phố, các tòa nhà đều đã đổ nát, bị biến thành một cánh đồng bị cháy hết mặt, từ nhà chúng tôi có thể nhìn thấy ga Hiroshima và Ninoshima. Xác chết ở khắp nơi. Đội lính kéo những xác chết ở sông lên đem hỏa táng. Có những xác chết để nguyên đó hơn cả 1 tháng, chúng tôi vẫn đi qua, đi lại bình thường. Ngoài ra, lúc đó, tôi chưa biết đó là bom nguyên tử, mà chỉ biết không có cái để ăn nên chúng tôi hồn nhiên ăn những đồ ăn có thể bị nhiễm phóng xạ từ bom như khoai mọc trong vườn nhà người lạ hay gạo chôn dưới đất.

●Cuộc sống sau trận bom nguyên tử
Ngay sau khi mẹ mất, chúng tôi đến nhờ cậy nhà họ hàng ở Midorii-mura, ở nhờ trong nhà kho của họ hàng. Ông bà tôi đã tới đó từ trước. Khi bom nguyên tử nổ, ông tôi, Omoya Tomekichi và bà tôi, Matsuno, đang ở trong phòng khách tại nhà nên không hề hấn gì. Khi vừa đến Midorii-mura, ông tôi vốn khỏe mạnh, bỗng dưng đổ bệnh, mất 5 ngày sau khi mẹ tôi mất. Chú tôi là Shoso, vốn sống cùng ông bà tôi ở Hirose-motomachi, lúc bom nổ hình như cũng ở hiên nhà, nhưng sau đó hoàn toàn mất tích.

Ở Midorii-mura, có nhiều điều khác với cuộc sống của chúng tôi từ trước tới nay, khiến chúng tôi rối loạn. Sau khi theo học ở trường tại Midorii-mura khoảng 1 năm, chúng tôi quay lại Hirose. Chúng tôi cùng chung sức, dọn chỗ để dựng nhà, dựng lên một căn nhà đơn giản và sống ở đó. Vợ chồng cô chú tôi, thay thế cha mẹ tôi, nuôi nấng tôi và anh trai tôi như chính con của mình. Tôi hoàn toàn không có cảm giác đau buồn vì cha mẹ đã mất đi.

●Tuy nhiên, khi tôi dần trưởng thành, tôi dần dần thấy nhớ cha mẹ. Tôi được cùng nuôi nấng với em họ như chị em gái. Khi nhìn thấy em họ có gia sư kèm học từ bậc tiểu học, tôi cảm thấy ghen tị và hơi buồn. Tôi sống cùng gia đình chú tôi cho đến khi kết hôn. Vì nhà chú tôi là xưởng sản xuất đồ nội thất, tôi đảm nhiệm việc kế toán ở đó.

●Kết hôn, và bệnh tật
Ngày xưa, có nhiều người giấu việc mình là nạn nhân của bom nguyên tử, đặc biệt là phụ nữ, vì còn phải nghĩ đến việc kết hôn, nên nhiều người giấu đi việc mình là nạn nhân bom nguyên tử, không đăng ký sổ theo dõi sức khỏe dành cho nạn nhân bom nguyên tử. Bây giờ tôi thấy thật may là tôi đã đăng ký xin sổ theo dõi sức khỏe sau khi bắt đầu phát sổ được một thời gian. Còn về kết hôn thì tôi đã luôn nghĩ rằng mình sẽ kết hôn với người do vợ chồng cô chú tôi chọn lựa. Vì thế, tôi đã kết hôn với người được giới thiệu xem mắt, và thật may là anh ấy không ngại ngần về việc tôi là nạn nhân của bom nguyên tử.

Sau khi kết hôn, tôi lo lắng về những đứa con sinh ra. Tôi bị ung thư tuyến giáp. Anh trai tôi và em họ tôi cũng bị ung thư. Sau khi tôi kết hôn, sinh ra con gái, con tôi bị u dây thần kinh thính giác. Tôi lo lắng rằng con bị bệnh do ảnh hưởng của bom nguyên tử.

●Suy nghĩ về hòa bình
Tôi thường xuyên nói chuyện về kí ức của bản thân trong trận bom nguyên tử với các trẻ em. Ngoài ra, tôi còn cùng các em đi đến Bảo tàng Tưởng niệm Hòa Bình, chỉ cho các em biết tình cảnh khi bom nguyên tử rơi xuống.

Ngày xưa, bận rộn với cuộc sống hàng ngày tôi đã thậm chí không có thời gian đi viếng mộ gia đình, nhưng bây giờ thỉnh thoảng đi, nói chuyện với mọi người rồi mới về nhà. Tôi nghĩ giá như mẹ tôi còn sống thì tôi có thể báo hiếu với mẹ. Vì thế, khi nhìn thấy các cụ bà ở tuổi như mẹ tôi, tôi lại muốn làm những việc hiếu thảo mà tôi đã không làm được cho mẹ tôi, nên tôi không thể bỏ mặc họ được.

Ngoài ra, tôi thấy biết ơn vì mình có thể sống mạnh khỏe như thế này trong khi biết bao người khác đã phải hy sinh. Và, khi nghĩ về người mẹ đã mất, tôi thấy muốn sống lâu và khỏe mạnh vì các con của tôi.

 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語