国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
Hồi kí của tôi về trận bom nguyên tử
TANAKA Tsunematsu(TANAKA Tsunematsu) 
Giới tính Nam  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 31 
Năm chấp bút 2008 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 

●Cuộc sống lúc đó
Lúc đó, tôi 31 tuổi, đang làm việc tại Công ty cổ phần phân phối điện Chugoku ( Nay là Công ty cổ phần Điện lực Chugoku) ở Komachi. Tôi cùng vợ tôi là Mikie, và 2 con (con trai đầu được 3 tuổi, con gái đầu được 7 tháng) thuê nhà sống ở Ote-machi. Tôi vào Công ty phân phối điện Chugoku khi đã lấy bằng lái xe vào tháng 2 năm 1934 sau khi tốt nghiệp trường Trung học cơ sở cấp 2 Onomichi, vì vậy tôi nghĩ lúc đó tôi tầm 20 hoặc 21 tuổi. Trong thời gian làm việc tại Công ty phân phối điện Chugoku, tôi được triệu tập vào quân ngũ 2 lần, từ tháng 9 năm 1937 đến tháng 1 năm 1941 và từ tháng 9 năm 1942 đến tháng 11 năm 1943, ở tình trạng lặp đi lặp lại việc vào quân ngũ và đi làm việc.

Khoảng cuối tháng 3 năm 1945, máy bay tấn công Kure rất khủng khiếp. Tôi thường xuyên nhìn thấy các máy bay không chiến bay đến như chuồn chuồn. Ở dưới sàn ngôi nhà chúng tôi ở, có một cái lỗ, chắc là do người đã sống ở đây trước kia đào, mỗi khi có máy bay tấn công đến, chúng tôi lại xuống trốn ở đó. Tuy nhiên, vì cả 2 con đều còn nhỏ, một đứa mới 3 tuổi còn một đứa 7 tháng, nên ngay cả khi trốn xuống hầm trú ẩn, lúc chúng tôi đang để mắt đến đứa này thì đứa kia cứ chực chồi ra ngoài, rất vất vả. Thấy không thể chịu đựng tình trạng này lâu được nữa, cuối tháng 3, tôi đã để vợ và 2 con di trú về nhà của bố mẹ vợ tôi ở Mukoeta,Wada-mura, Futami-gun (Nay là Mukoeta-machi, Miyoshi-shi). Do tình hình lúc đó, chúng tôi gửi tất cả đồ đạc trong nhà vào kho của công ty tôi, để vợ con tôi đi di trú người không.

Sau khi để vợ con di trú tôi đã sống ở trong kho của công ty. Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, tôi tận dụng thứ bảy và chủ nhật để đi đến nơi di trú của vợ thì khi quay về, nhà kho mà tôi đang sống tạm đã bị trúng bom rơi, cháy sạch không còn gì. Đến quần áo để thay cũng không còn, tôi đành quay lại Wada-mura, nhờ may từ yukata đến áo sơ mi, quần lót, rồi lên chuyến tàu sớm nhất sáng thứ hai để đi làm. Không còn chỗ để ở, tôi thuê tạm một căn nhà ở Ushita-machi theo lời giới thiệu của đồng nghiệp, và sống ở đó cho tới khi trận bom nguyên tử xảy ra.

●Tình hình lúc bom nguyên tử nổ
Lúc đó, tôi đang nhận được triệu tập làm cảnh binh canh gác. Trong trường hợp có báo hiệu máy bay tấn công, chính quyền thành phố sẽ ra chỉ thị để chúng tôi mặc đồng phục đi canh gác. Chúng tôi phân công công việc với các cựu chiến binh cùng làm nhiệm vụ này. Vào đêm ngày 5 tháng 8, có báo hiệu máy bay tấn công, tôi đi canh gác ở khu vực cầu Yanagi mà mình phụ trách. Đối với người đi canh gác hôm trước, giờ đi làm ngày hôm sau sẽ được điều chỉnh từ 8 giờ thành 8 giờ 30 phút. Nhưng do không nhận được thông tin đó, vào ngày 6 sau đó, tôi đã đến công ty lúc 8 giờ. Hóa ra, như thế lại là may.

Do còn 30 phút nữa mới đến giờ làm việc, lúc đó, tôi xuống nhà tắm dành cho nhân viên ở tầng hầm để giặt bộ đồng phục đã mặc tối hôm trước. Tôi cúi người xuống để giặt đồ, thì đột nhiên, từ phía trước mặt, một luồng khí bom dội đến, làm tôi bị bắn đập vào bức tường ở phía sau và bất tỉnh. Tôi không nhớ gì ngoài hình ảnh một ánh sáng lóe lên. Khi tôi tỉnh lại thì xung quanh tối đen do bụi, nhưng tôi nhìn thấy ánh lửa cháy ở khoảng tầng 4 hay tầng 5, và nghĩ phải làm gì đó không thì chết, nên đã tỉnh hẳn lại. Trong bóng tối đến mức không nhìn thấy chút nào trước mặt, tôi chỉ biết lần theo trí nhớ và rờ tay phía trước để bước đi. Trong tình trạng đó, có lúc tôi nghĩ trước mặt là cầu thang nên tiến tới thì lại va phải cái gì đó, nhưng cuối cùng tôi cũng ra được trạm canh gác ở ven tòa nhà. Từ trạm canh gác, tôi nhìn thấy đường tàu điện. Khi ra đến đường tàu điện, tôi thấy tàu điện đổ nằm ngang, đập vào nhà dân. Tôi nghĩ tình hình nghiêm trọng. Biết trốn đi đâu đây, muốn hỏi cũng chẳng có ai cả.

Nơi lánh nạn của chúng tôi là sân trường Trung học số 1 (Trường Trung học cơ sở cấp 2 tỉnh lập Hiroshima số 1), nằm ở phía Nam công ty. Nhưng tôi đã không nghe được thông tin đó, nên đi theo đường tàu điện về phía Bắc, rẽ phải ở trước đền Shirakami, theo đường Takaya-cho về hướng Đông. Dọc đường, có tường rào của trường nữ sinh tỉnh (Trường Trung học phổ thông Nữ sinh tỉnh lập Hiroshima số 1) đã bị bom đánh đổ xuống đè lên một người phụ nữ, không biết là trẻ hay già chỉ ngoi được cổ lên kêu cứu. Nhưng lúc đó, bản thân tôi cũng đang bị chảy máu, lưng đẫm máu vị bị mảnh kính cứa, nên chỉ đi trốn cho mình thôi cũng đã kiệt sức rồi.

Thế rồi, tôi đi dọc sông Takeya xuống phía Nam, về hướng cầu Miyuki. Gọi là sông Takeya nhưng đây chỉ là một con kênh nhỏ, không có trong bản đồ, chảy dưới lòng Fukuya. Trên đường, tôi không thấy những người đi trốn khác, nhưng ở các ngôi nhà bên kia sông Takeya, có vẻ mọi người đang vừa dọn dẹp vừa kêu về tình trạng kinh khủng này. Không biết lúc đó là mấy giờ, nhưng có lẽ nhiều giờ đồng hồ đã trôi qua.

Trước khi qua cầu Miyuki, xe tải của quân đội đi qua nên tôi lên nhờ xe và đi đến cảng Ujina. Sau đó đó tôi lên tàu đi lánh nạn ở Ninoshima. Trên Ninoshima có nhiều người bị thương đến lánh nạn, tình hình rất thảm khốc. Có một số lính cứu thương ở đó, nhưng tôi cũng chỉ được cuốn băng chứ không được chữa trị hẳn hoi, các miếng kính vỡ còn cắm nguyên trên lưng. Tôi không thể ngủ được vì xung quanh quá ồn ào những tiếng người hoảng loạn, người kêu khóc, người cáu vì ầm, rồi đến đêm vẫn có người chạy qua chạy lại nơi người khác đang ngủ, và vì thế lại có người cáu lên. Suốt ngày mùng 6, tôi không được ăn gì. Đến sáng ngày mùng 7, tôi được cho cháo đựng trong ống tre, ăn cùng một quả mai muối. Tại Ninoshima tôi chỉ được ăn thế thôi.

Với tình hình như thế, tôi nghĩ mình sẽ chết mất nên xin người bên quân đội cho quay về. Ngày mùng 7, tôi lên tàu về cảng Ujina. May sao vừa có xe tải ở đó, nên tôi hỏi anh sĩ quan trên xe : “Xe đi đâu đấy anh ?”, anh trả lời : “Đi đến Tòa thị chính.”, tôi đề nghị : “Cho tôi đi nhờ đến Tòa thị chính nhé.”, anh đồng ý : “Anh lên đi.”, thế là tôi được đưa đến sảnh trước Tòa thị chính. Tôi cám ơn rồi xuống xe. Công ty tôi ở cách Tòa thị chính một chút về phía Bắc, nên tôi đi bộ đến đó. Khi đến công ty, tôi thấy 2 nhân viên mà tôi quen đang làm lễ tân nên tôi nói với họ: “Tôi sẽ đi di trú đến quê vợ ở Miyoshi.” và thông báo địa chỉ. Thế rồi, tôi đi bộ qua Kamiya-cho, Hatchobori đến nhà trọ ở Ushita-machi. Tôi ở đó một đêm rồi ngày mùng 8, tôi lên tàu từ ga Hesaka, đi đến Wada-mura, nơi mà vợ con đang trú ở đó. Nghĩ rằng vợ đang lo lắng, dù một tiếng thôi cũng phải cố gắng đến nơi càng sớm càng tốt, nên tôi rất vội vã. Tôi cũng không nhớ rõ khung cảnh dọc đường, nhưng hình ảnh xác người chất đầy ở cầu Kohei ám ảnh tôi mãnh liệt.

●Tình hình sau khi bom nguyên tử nổ
Khi tôi tới được Wada-mura, trên lưng tôi vẫn còn găm các mảnh kính vỡ. Hàng ngày, tôi ra sông, nhờ vợ rửa lưng. Máu khô đông cứng ở lưng tôi như những mảng nhựa than. Khi vợ tôi lấy kim cạy những cục máu ra, các mảnh kính vỡ cũng dính theo đó. Vợ tôi lấy sạch máu đông và các mảnh kính vỡ cho tôi như vậy mất khoảng 1 tuần hay 10 ngày gì đó. Chúng tôi nghĩ rằng đã lấy hết các mảnh kính vỡ, nhưng một số mảnh vẫn dính lại và mưng lên vào giữa những năm 1955 đến 1964, và tôi phải đến bệnh viện ngoại khoa ở Sakai-machi để phẫu thuật lấy chúng ra.

Tôi đến Wada-mura được một thời gian, vừa lấy hết các mảnh kính ra, chuẩn bị an tâm thì bố tôi từ Onomichi đến. Vì tôi đã không thể liên lạc với ai ở Onomichi, nên bố không nghĩ rằng tôi còn sống, nên ông đến để bàn xem nên tổ chức đám tang cho tôi ở đâu. Thấy tôi còn sống, ông vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên khôn xiết, chỉ uống chén trà xanh ở hiên rồi nhanh chóng quay về Onomichi.

Trong thời gian ở Wada-mura tôi không thấy nội tạng có gì bất thường, tương đối khỏe khoắn. Nghỉ ngơi khoảng 3 tuần, tôi quay trở lại làm việc ở Hiroshima vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9.

Sau khi tôi quay lại làm việc được một thời gian, khoảng giữa tháng 9, khi hạt dẻ bắt đầu rụng, tôi bị đi ngoài ra máu nên về quê ở Onomichi để tĩnh dưỡng. Vì tôi bị đi ngoài ra máu, mọi người, kể cả bác sỹ, đều nghĩ rằng tôi bị kiết lị và đã bàn đến nước cho tôi cách ly. Nhưng tôi đã hết đi ngoài ra máu nhờ ăn cơm hạt dẻ chị tôi nấu cho. Nghe thật kì lạ, nhưng tôi nghĩ là như vậy. Tại Onomichi cơm ngon, tôi nghỉ ngơi 4,5 ngày thì khỏe lại nên lại quay về làm việc ở Hiroshima.

●Cuộc sống sau chiến tranh
Khi tôi quay lại làm việc, có rất nhiều nhân viên công ty đã bị mất chỗ ở, nên chúng tôi sống tập thể ở tầng 5 của công ty. Lúc đầu, chúng tôi tự nấu ăn, nhưng sau đó công ty đã thuê người nấu ăn cho chúng tôi.

Do tôi biết lái xe, nội dung công việc của tôi là lái xe tải ở Phòng Vật tư, Ban Tổng vụ, vận chuyển vật tư đến các Nhà máy phát điện trong tỉnh.

Vào năm 1946, gia đình tôi quay lại sinh sống cùng tôi. Sau giờ làm, đồng nghiệp giúp chúng tôi mua cột, dựng nhà ở Eno-machi. Chúng tôi đã sống ở Eno-machi 30 năm sau đó.

Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng không đến nỗi khổ sở về lương thực vì được bố mẹ vợ ở quê gửi gạo cho. Tuy nhiên, quần áo và chăn đệm chúng tôi đều đã gửi lại kho của công ty và bị cháy sạch, nên chẳng còn gì. Chúng tôi đã làm lại từ đầu với sự giúp đỡ của mọi người, như may quần áo lót từ yukata hay nhờ gia đình ở Onomichi gửi cho chăn đệm.

●Về sức khỏe
Chúng tôi sinh con gái thứ 2 vào tháng 7 năm 1947 và không khỏi lo lắng về di chứng của bom nguyên tử. Khi con gái đi nhà trẻ, những lúc con bị chảy máu mũi không ngừng, hay khác so với những đứa trẻ khác, tôi đã nghĩ có thể có liên quan đến bom nguyên tử.

Về bản thân tôi, năm 1956, tôi bị u lao, một dạng u, khiến cho lượng bạch cầu của tôi giảm xuống 2000, lúc ít chỉ còn 1000. Từ trọng lượng 65kg, tôi bị sụt mất 8kg. Trong vòng 1 năm 3 tháng, từ tháng 7 năm 1956 đến tháng 9 năm 1957, tôi phải nhập viện vào bệnh viện ở Hara, Hatsukaichi-cho (Nay là Hatsukaichi-shi). Tôi cũng nghỉ việc ở công ty 2 năm. Tôi vào viện đúng vào ngày 7 tháng 7, ngày lễ Tanabata. Lúc ăn sáng hôm đó, con gái tôi, đang học lớp 2 cấp tiểu học, nói: “Hôm nay các vì sao được gặp nhau, mà chúng ta lại phải chia tay nhỉ”. Nghe thế, mọi người đều rơi nước mắt.

Từ sau đó, tôi cũng không gặp phải bệnh gì nặng và sống khỏe mạnh cho đến khoảng giữa những năm 1998 đến 2007 khoảng mười mấy năm trước, tôi lại bị đi ngoài ra máu. Tôi vào Bệnh viện Chữ thập đỏ Nhật Bản cho đến khi hết đi ngoài ra máu, và được tiêm để cầm máu.

4 năm trước, khi phẫu thuật chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, tôi được nhận giấy chứng nhận là nạn nhân của bom nguyên tử.

●Điều tôi suy nghĩ hiện nay
Năm nay tôi đã đến tuổi 94 và tôi cảm thấy biết ơn rằng mình đã có thể sống đến ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng tất cả là nhờ vợ tôi. Ngoài ra, các con tôi cũng đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi vô cùng biết ơn mọi người.

 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語