国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
Thoát chết trong gang tấc
SHIMASAKI Jiro(SHIMASAKI Jiro) 
Giới tính Nam  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 14 
Năm chấp bút 2007 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 

●Tình hình ngày 6 tháng 8
Vào thời đó, tôi đi tàu hỏa từ Saijo, rồi chuyển sang tàu điện Thành phố tiếp tục đi khoảng hơn một tiếng đến Nhà máy chế tạo máy móc Hiroshima của Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi nằm tại Minamikannon-machi để làm việc theo dạng học sinh tập kết lao động. Tôi là người thứ 4 trong một gia đình 5 anh chị em. Tôi có 1 anh trai, 2 chị gái, và dưới tôi có một em gái. Anh trai tôi đã ra nhập quân ngũ ở Kyushu. 

Tôi thì từ năm thứ 2 của Trung học Cơ sở cấp 2 số 2 (Trường Trung học Cơ sở cấp 2 tỉnh lập Hiroshima số 2) đã không còn lớp học nữa, mà bị chuyển đi làm việc từ nhà máy này đến nhà máy khác. Từ khoảng cuối năm 1944, tôi làm việc ở nhà máy Kannon của Mitsubishi. 

Vào ngày 6 tháng 8, bom nổ khi tôi và 4,5 người bạn học đang cùng đi đến nhà máy. Tôi nghĩ địa điểm là ở gần Sân vận động tổng hợp ở Minamikannon-machi. Cách tâm nổ khoảng 4 km. Nếu như tôi lên tàu muộn hơn một chuyến, thì lúc bom rơi xuống, tôi đã đang ở trên tàu và trực tiếp hứng bom mà chết ở cầu Aioi rồi. Thật sự là cảm giác thoát chết trong gang tấc.

Trong khoảnh khắc bom nổ, tôi hứng lấy một ánh sáng lóe lên từ sau lưng. Tôi còn nhớ cổ rất nóng. Thế rồi sau luồng bom nổ mãnh liệt, tôi bị bắn lật ngược rồi bất tỉnh. Tôi ngất lịm đi khoảng 5 phút thì mở mắt. Tôi nhìn ra xung quanh thì thấy nhà máy chỉ còn trơ cốt sắt, mái đã bị thổi bay mất, dù ở cách tâm nổ tận 4km.

Rốt cuộc là chuyện gì xảy ra vậy? Hay là nhà máy nơi tập kết lao động bị ném bom B29? Không, không phải bị ném bom B29 mà có khi, cây xăng ở Minami-machi bị nổ, các bạn học của tôi đưa ra các ý kiến khác nhau. Chắc chắn là tín hiệu báo động cảnh giác đã hết rồi. Vào lúc 8 giờ 15 phút, không còn tình trạng báo động nữa. Trước 8 giờ, có báo động máy bay tấn công 1 lần, nhưng sau đó chuyển thành báo động cảnh giác, rồi đến khoảng 8 giờ 5 phút thì thôi báo động. Tôi đã nghe thấy còi báo hiệu hết báo động.  

Sau đó, có chỉ thị: “Toàn thành phố đang cháy lớn. Trước mắt, hôm nay, những người đã đến hãy về nhà mình.” Tôi đi về phía Đông, trong cơn mưa màu đen đang đổ xuống. Tôi đi qua Eba, Yoshijima, đến Senda, rồi băng qua cầu Miyuki, về hướng Hijiyama. Khi đi qua cầu Miyuki, tôi bị nhiều người tóm lấy chân, kéo lại. Họ nói: “Cho tôi nước. Cho tôi nước”. Tôi chỉ nghĩ được rằng những người này bị thương. Bởi vì lúc đó tôi không hề nghĩ được tại sao lại nhiều người bị thương, bị bỏng như thế. Tôi chỉ thấy sợ hãi khi bị kéo chân: “Cậu ơi, cho tôi nước, cho tôi nước. Tôi bị thương, nên khát…”. Rất may là tôi không bị thương khi bom nổ, nên thấy bao nhiêu người bị thương ngay trước mắt, mà tôi chỉ biết nhấc chân bước đi như thể bị ma ám.

Khi đi qua chân núi Hijiyama, tôi nhìn thấy một người lính toàn thân đỏ quạch, hình ảnh vẫn còn ám ảnh trong tâm trí tôi. Toàn bộ da của anh đã bị lột xuống. Anh vẫn đang thở, nhưng dáng hình thì tàn khốc. Nhìn thấy tôi, anh chỉ vào một thi hài và bảo: “Tôi phải cho cái này lên xe đẩy đưa đi. Cậu bé, cậu nâng phần chân nhé.” Tôi quá sợ nên không thể làm được. Có thể vì khu vực dưới chân núi Hijiyama nằm cách xa tâm nổ, nên người không bị thương nặng nhiều, có nhiều người đang giúp vận chuyển thi hài. Người lính này có thể cũng đã chết trong mấy ngày sau đó.

Cuối cùng, không nhớ là mấy giờ đêm nữa, tôi đã đến được ga Kaita. Có thông tin là mỗi đêm 1 lần, từ Kaita có thể có tàu hỏa đi về hướng Saijo nên tôi đã đợi có lẽ hơn một giờ đồng hồ. Tôi đã lên được tàu. Chuyến tàu chật ninh ních đến được Saijo thì trời tối đen, không thể nhìn thấy những người ra đón. Đang trong thời kì cấm đèn lửa, thời kì không cho phép bật điện hay thắp đèn nên xung quanh tôi là trạng thái chỉ nghe thấy những tiếng chào đón: “Khốn khổ quá. Khốn khổ lắm đúng không?”, chứ không biết được người đón là ai.

●Tình hình từ ngày 7 trở đi
Nghe tin chú tôi làm việc ở Hijiyama bị hứng bom, tôi và cô tôi đi Hiroshima để tìm chú. Chúng tôi đã lên xe tải hay làm thế nào mà vào được Thành phố tôi không nhớ rõ, dựa vào thông tin chú tôi đang tạm trú ở khu trại nào đó ở phía Ujina, chúng tôi đã xuất phát vào rạng sáng ngày 7. Nhờ có 3 năm đi học ở trường Trung học Cơ sở cấp 2 tỉnh lập Hiroshima số 2 nên tôi biết rõ đường xá trong Thành phố. Tôi đi theo cô tôi vì nghĩ rằng mình phải chỉ đường cho cô.

Chúng tôi đã tìm thấy chú tôi tại khu trại ở Ujina. Tôi nhớ rằng khu trại từng là một nhà kho gần cảng ở Ujina. Những người lính đang xếp các thi hài ra hành lang: “Ôi, người này, vừa tắt thở. Đưa ra ngoài thôi”. Có một người lính bảo tôi: “Người này chết rồi. Cậu nâng đầu nhé”. Tôi quá sợ hãi nên không thể giúp anh. Khoảng 2, 3 người thành một nhóm để nâng những người đã tắt thở ra ngoài. Có một cô gái khoảng 20 tuổi cháy đen thui, cũng bị đặt nằm, không mặc gì trên người.

Chúng tôi đã đưa được chú tôi từ Ujina về Saijo, nhưng chỉ 3 ngày sau, vào ngày 10, chú đã mất. Chú được hỏa táng tại nơi hỏa táng gần nhà. Tôi cũng giúp. Cô tôi mất 2 năm trước. Cô và chú mới là vợ chồng được 9 năm.

●Cuộc sống sau vụ ném bom
Khoảng cuối tháng 10 hay đầu tháng 11 gì đó, trường Trung học Cơ sở cấp 2 tỉnh lập Hiroshima số 2 lại mở lớp học trở lại. Tôi còn nhớ chúng tôi ngồi học trong nhà lán được dựng trên nền trường Trung học Cơ sở cấp 2 tỉnh lập Hiroshima số 2 trước đây ở Kannon, trong khi tuyết bay ùa vào, không có lò sưởi, vừa học vừa run cầm cập. Đến kính cửa sổ cũng không có. Trước khi quay về Kannon, trường mượn tạm phòng của trường nữ sinh ở Kaita, hoặc trường tiểu học nào chưa bị đổ nát, để tổ chức lớp học.

Vì tôi muốn tiếp tục học lên cao, nếu không đến lớp sẽ không nhận được tín chỉ. Nên tôi cố gắng chịu lạnh để đến lớp học. Lúc đó tôi nghĩ rằng dù là trong nhà lán nhưng vẫn được đi học là may lắm rồi. Theo chương trình Trung học Cơ sở cũ, tôi học đến lớp thứ 5 thì được tốt nghiệp. Đó là năm 1947. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục đi học tại trường Đào tạo nghề Công nghiệp Hiroshima ở Senda-machi.
Sau khi tôi tốt nghiệp trường Đào tạo nghề Công nghiệp, là năm 1955, thập niên mà xe hơi bắt đầu trở nên phổ biến trên thế giới. Tôi định mở Trung tâm đào tạo lái xe. Tôi cùng với người quen bắt đầu từ việc cầm xẻng xây dựng sân tập lái. Tận dụng các tín chỉ đã lấy ở trường Đào tạo nghề Công nghiệp, tôi đã lấy được chứng chỉ giảng dạy lý thuyết và kỹ thuật thực hành. Từ năm 1960, tôi làm việc tại Trung tâm đào tạo lái xe trong thành phố, với tư cách là giảng viên chính.

Năm 1966, tôi thôi việc ở Trung tâm đào tạo lái xe. Anh trai tôi muốn mở nhà dưỡng lão và đề nghị tôi cùng giúp, thế là tôi bắt đầu hỗ trợ việc kinh doanh của anh. Anh trai tôi đã làm đến chức Chủ tịch Hội Y Sĩ, tôi rất tự hào về anh. Hai anh em chúng tôi đang cùng cộng tác kinh doanh, thì anh trai tôi qua đời vì bị vỡ mạch máu não. Tôi quá đau buồn, ba ngày, ba đêm không ngủ được. Tôi đã lái xe đường dài đưa anh tôi là Viện trưởng đi khắp Cơ sở ở Miyajima và Yuki. Tôi phải lái xe, và sứ mệnh của tôi là hỗ trợ anh tôi. Anh tôi dành cả đời cho việc học tập nghiên cứu, còn tôi là con người của thể thao, hai người cùng chung sức cho một mục tiêu. Anh mất đi khiến tôi thực sự, thực sự đau buồn.

●Làm việc, kết hôn và các di chứng
Tôi và vợ tôi sắp đón lễ cưới vàng. Khi kết hôn, tôi đã tránh việc nói mình là nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử. Tôi hiểu về những phân biệt dành cho nạn nhân bom nguyên tử, nên tôi chủ động nói với vợ: “Đúng là anh có mặt trong trận nổ bom nguyên tử, nhưng khi đó anh đang làm việc tại Mitsubishi, ở Minamikannon, cách tâm nổ 5 km, nên chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không hề bị thương hay gì cả”.Vợ tôi cũng có vẻ không để ý đến chuyện đó. Con trai chúng tôi, là một dược sỹ có kiến thức, cũng ý thức về việc mình là thế hệ thứ 2 của một nạn nhân của bom nguyên tử. Khi con trai và con gái sinh ra, tôi cũng hơi lo lắng và bí mật kiểm tra xem có gì bất thường không.

Di chứng khiến tôi lo lắng là một cục u nổi lên đằng sau cổ tôi, khoảng 10 năm sau vụ ném bom. U lành tính chứ không phải ác tính, như một sinh vật mới. U khá to. Vị trí của cục u là nơi hứng ánh sáng lóe lên khi bom nổ. Tôi đã phẫu thuật để cắt bỏ khối u đó, nhưng 10 năm sau, cục u lại nổi lên. Gần đây thì không thấy u nổi lên nữa. Ngoài việc mọc u thì điều có thể bị nghi ngờ là di chứng của vụ ném bom là răng yếu nhanh hơn người khác. Tùy vào mỗi người, cũng có người bị rụng tóc. Tùy người mà các biểu hiện bệnh khác nhau. Tôi thì không bị rụng tóc. Tuy nhiên, có thể nói có một điểm chung của các nạn nhân của vụ ném bom hạt nhân là rất dễ mệt mỏi. Khi đi làm, tôi làm cùng công việc giống như người khác cũng dễ mệt hơn, nên cấp trên nghĩ rằng có thể do tôi lười biếng. Tôi bị mắng là: “Mọi người làm việc ngần này mà không mệt. Anh làm việc ngần này mà mệt, chỉ làm biếng thôi”. Việc dễ bị mệt rất bất lợi cho công việc.

●Suy nghĩ về hòa bình
Khi truyền đạt đến lớp trẻ về bom nguyên tử và hòa bình, tôi nghĩ rằng người nói cần đầu tư vào cách truyền đạt. Trong khoảnh khắc bom nguyên tử nổ, các tòa nhà sập đổ trong chớp mắt, người chết trong chớp mắt. Để có thể truyền đạt được điều đó, cần đầu tư công phu. Chỉ nói là: “Mọi việc rất khủng khiếp, rất khủng khiếp.” hay “Tôi ân hận vì không thể đưa nước cho những người xin nước mà tôi gặp. Tôi chỉ biết chạy trốn ngọn lửa vây theo từ dưới cầu.” thì không thể truyền đạt hết đến người nghe. Chỉ nói là “Trong công viên Hòa Bình có Viện bảo tàng. Xin hãy đến xem. Có cây vì hòa bình ở đó” cũng không diễn tả được sự tàn khốc của bom nguyên tử. Ngược lại, có thể cách diễn đạt đó sẽ làm cho người nghe nghĩ rằng bom nguyên tử chẳng là gì ghê gớm. Hôm trước, ở Hokkaido xảy ra một trận lốc xoáy làm nhiều người thiệt mạng. Khi xem hình ảnh, tôi thấy rất giống với khoảnh khắc bom nguyên tử nổ. Đó là một hình ảnh chân thực và mạnh mẽ. Hình ảnh đó có thể có sức truyền đạt đến cả trẻ nhỏ. Tôi nghĩ rằng có thể dùng hình ảnh của một thảm họa xảy ra thực tế để diễn đạt rằng bom nguyên tử, cũng như vậy, trong chớp mắt đã phá hủy, thiêu cháy và làm thiệt mạng khoảng 200.000 người.
Ngay sau khi bom nguyên tử rơi xuống, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của báo Mainichi và báo Asahi đã đến Hiroshima và ghi lại hình ảnh của tình trạng thảm khốc lúc đó. Ngay cả những nhiếp ảnh gia đã ra vào biết bao chiến trường như họ cũng nói rằng mức độ thảm khốc mà bom nguyên tử gây ra ở Hiroshima hơn tất cả các chiến trường khác. Làm sao để có thể truyền đạt được sự thảm khốc đó. Tôi nghĩ rằng người truyền đạt cần phải đầu tư chuẩn bị cách truyền đạt công phu.

Cuối cùng, vì tôi học tại trường Trung học Cơ sở cấp 2 tỉnh lập Hiroshima số 2, có nhiều học sinh lớp dưới đã thiệt mạng vì bom nguyên tử. Gần đây, cũng có bạn cùng khóa với tôi đã mất. Khi anh trai duy nhất của tôi đã mất, tôi cảm thấy thật là cô đơn. Hiện nay, tôi không đi lại được bình thường nên phải nhờ vợ chăm sóc. Tôi muốn sống thêm 2 năm nữa. Và mỗi tuần 1 lần, hoặc 2 tuần 1 lần cũng được, với các em bé nhỏ, hoặc học sinh tiểu học cũng được, nếu tôi có thể nói chuyện về tất cả những gì tôi đã trải qua, thì đó là niềm hạnh phúc nhất đối với tôi khi qua đời.

 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語