国立広島・長崎原爆死没者追悼平和祈念館 平和情報ネットワーク GLOBAL NETWORK JapaneaseEnglish
 
Select a language / Tiếng Việt (Vietnamese・ベトナム語) / Memoirs(Đọc Tập Hồi kí về Trận bom nguyên tử)
 
Bị bom nguyên tử cướp đi hai con gái
FUJII Makie(FUJII Makie) 
Giới tính Nữ  Tuổi tại thời điểm Trận bom nguyên tử 22 
Năm chấp bút 2006 
Ví trí tại thời điểm Trận bom nguyên tử Hiroshima 
Thư viện Nhà cầu nguyện Hòa bình Quốc gia tưởng niệm Nạn nhân trong Trận bom nguyên tử Hiroshima 

●Tình hình trước khi bom nổ
Gia đình chúng tôi sống bên bờ sông, cách cầu Yokogawa nằm ở Yokogawa-cho, 1-chome khoảng 100 mét về phía Đông. Gia đình tôi lúc đó gồm 4 người là, chồng tôi (Kiyoshi), và tôi, cùng con gái đầu lòng được 3 tuổi (Kazuko) và con gái thứ hai vừa được nửa năm (Kiyomi).

Điều tôi nhớ rõ trước khi bom nguyên tử nổ là, mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động máy bay tấn công, tôi đã đưa 2 con xuống trốn trong hầm trú ẩn đào trong lòng đất. Việc đó diễn ra trong nhiều ngày.

●Tình hình lúc bom nổ
 Sáng ngày 6 tháng 8, chồng tôi nghỉ làm ở nhà ngày hôm đó vì lúc đó đã nhận được giấy triệu tập. Tôi và các con đang chơi đuổi bắt ở tầng 2 vì đã hết còi báo động máy bay tấn công.

Đột nhiên, từ cửa sổ bay vào một quả cầu lửa nóng rẫy. Vào khoảnh khắc đó, mẹ con chúng tôi rơi xuống như bị hút vào một vực thẳm.

Ở phía dưới chân tôi, con gái lớn hét lên: “Mẹ ơi, ở đây. Mẹ ơi, ở đây”. Tôi gọi con: “Kazuko, mẹ sẽ tới cứu con. Cố lên”, nhưng bị kẹt giữa đất tường và vô vàn các thứ khác của ngôi nhà, đến cổ tôi cũng không cử động được

Trong lúc đó, tôi nghe thấy tiếng chồng gọi tên tôi từ phía trên. “Makie, em ở đâu, ở đâuuuu ?”, nghe như chồng tôi đang đi qua đi lại tìm kiếm tôi. Một lúc sau, tôi bắt đầu cảm thấy sức nóng. Thế rồi, từ phía trên, chồng tôi đang gào lên một cách bất lực: “Lửa đã đang lan ra rồi. Tìm thế này rồi cũng không thấy đâu cả, đành phải chịu thôi, đành phải bỏ cuộc thôi.”

Tôi nói: “Bố nó ơi, em ở đây.”, nhưng có vẻ như chồng tôi vẫn không biết chỗ tôi đang ở. Tôi bị chôn vùi khi vẫn ôm nguyên con gái thứ hai, nghe tiếng chồng bảo đành bỏ cuộc như vậy, thì càng ôm chặt con gái thứ hai. Lúc đó, ngón tay tôi vô tình bịt mũi và miệng con, nên con không thở được, quằn quại ré lên “Gya”. Tôi sững sờ khi nghe tiếng kêu đó, hét lên: “Con chết mất!!”. Không biết có phải do nghe thấy tiếng hét đó không, mà chồng tôi dường như đã quay trở lại. Thế rồi, chồng tôi cố hết sức tìm kiếm “Ở đâu, ở đâu ?”. Thế rồi, chồng tôi đào một cái lỗ nhỏ kéo tôi ra, rồi tiếp theo, kéo con gái thứ haira. Tôi bị chóng mặt vì đầu bị va đập, nên không thể đứng lên được. Xung quanh, lửa đang vây đến rào rào.

Sau khi thoát được một lúc, tôi chợt tỉnh ra, và hỏi chồng “Bố nó ơi, Kazuko, Kazuko thì sao?”. Chồng tôi bảo “Kazuko không qua được rồi. Không động đậy được nữa. Đành chịu thôi.”

Tôi vừa đi, vừa xin lỗi trong lòng “Kazuko, xin lỗi con. Tha lỗi cho mẹ, tha lỗi cho mẹ.”

Chồng tôi, một tay ôm con gái thứ hai, một tay đỡ, kéo tôi đi trốn. Lúc đó, chồng tôi động viên, tiếp sức cho tôi “Vững vàng lên, vững vàng lên. Cố lên, cố lên.” Tôi đã mờ cả mắt, chỉ đi theo chồng thôi cũng đã hết sức rồi. Ngôi nhà bị lửa vây bốn phương tám hướng, chắc đã bị thiêu rụi đến không còn vết tích gì.

Chồng tôi vẫn hai tay ôm tôi và con gái thứ hai, nên đi một chút lại nghỉ, đi một chút lại nghỉ. Giữa đường, một người phụ nữ tóc tai rối bời, lăn đến níu chân chồng tôi, xin được giúp: “Xin hãy giúp tôi với. Con gái tôi bị đè dưới cột, không lôi ra được. Xin hãy giúp tôi với.” Chồng tôi từ chối: “Tôi muốn giúp lắm. Nhưng vợ tôi và con gái đều đang trong hoàn cảnh thế này. Xin hãy tha lỗi cho tôi.” Thế là người phụ nữ đó chạy bay đi nơi khác. Cứ nghỉ rồi lại đi, nghỉ rồi lại đi như vậy, lúc chiều tà chúng tôi đã đến được nhà người quen của chồng tôi ở Shinjo.

●Tại ngôi nhà ở Shinjo
Chúng tôi được ở nhờ tại ngôi nhà ở Shinjo khoảng 3 ngày. Tôi bị sốc do vụ ném bom nên mất sữa. Vì tôi bị đau chân nên phải nằm, chồng tôi đi ra ngoài xin sữa.

Tôi không thể ngừng nghĩ rằng con gái lớn bị chôn vùi dưới ngôi nhà của chúng tôi nếu cố thì có thể đã cứu được. Tôi được cứu thoát trong khi con gái lớn đang kêu cứu thì bị bỏ lại, cứ nghĩ vậy là lòng tôi quặn lên như bị nung nấu, xới qua, xới lại, nước mắt không ngừng tuôn rơi.

Trong khi tạm trú tại ngôi nhà ở Shinjo, tôi đã nhìn thấy những hàng người bị bỏng, đi lê lết, mà nhìn dáng hình đó nước mắt tôi cứ tuôn ra, nên tôi đành nhắm mắt để không nhìn thấy họ.

●Về nhà bố mẹ ở Yamaguchi
Khoảng ba ngày sau thì tàu hỏa bắt đầu chạy. Tôi và chồng và con gái bé lên chuyến tàu chật kín người chạy từ ga Yokogawa, về nhà bố mẹ tôi ở nơi tên là Kogushi, tỉnh Yamaguchi. Mãi cuối cùng cũng đến nơi, chúng tôi đi bộ về nhà bố mẹ. Dọc đường, người dân trên đường nhìn thấy chúng tôi đi qua với dáng vẻ thảm hại thì nói: “ Làm sao thế, làm sao thế nhỉ”. Ở khu phố nhỏ bé này, ai cũng quen mặt chúng tôi. Tôi không thốt ra được tiếng, chỉ nước mắt là lã chã rơi, đi qua họ, về đến nhà bố mẹ.

Thế rồi từ đêm hôm đó, tôi cứ ân hận vì mình được cứu mà bỏ lại con gái lớn, nên hằng đêm không ngủ được. Thế là, mẹ và chị gái tôi, sợ rằng tôi có thể tự tử, nên ngủ hai bên cạnh tôi. Đó là những ngày mà hằng đêm, tôi lén ra khỏi nhà, hét lên: “Tha lỗi cho mẹ, tha lỗi cho mẹ. Xin con tha lỗi cho người mẹ này.” Trong lúc tôi ở Yamaguchi, chồng tôi quay về Hiroshima, tìm di cốt của con gái lớn của chúng tôi.
Ngoài ra, tôi vẫn chưa có sữa trở lại, nên mẹ tôi phải đi bộ tới nơi bà mẹ có con nhỏ gần đó, để xin sữa. Thế rồi, mẹ tôi nói : “Con chân bị đau vẫn phải nằm, lại có con nhỏ nữa, cứ ở đây từ từ nghỉ ngơi cho bình phục”, nên tôi đã ở lại nhà mẹ gần một năm. Chân tôi thì vẫn bị tật cho đến tận bây giờ.

●Cái chết của con gái thứ hai
Khoảng chưa đầy một năm sau khi đi Yamaguchi, tôi quay lại Hiroshima. Chúng tôi thuê nhà ở gần nơi ngôi nhà trước kia ở Yokogawa.

Chồng tôi thường đưa con gái bé đến nhà tắm công cộng để tắm rửa, và một ngày, hình như có người đàn ông nhìn con bé và bảo: “Hình như lưng của bé hơi bị sưng lên hay sao kìa.” Chúng tôi nghĩ rằng có thể lúc bị đánh bom, con bé đã bị va đập vào lưng, nên đưa con đến bệnh viện. Theo kết quả kiểm tra, xương sống lưng bị gẫy mất 4 đốt. Thế là chúng tôi lại đưa con về nhà mẹ tôi ở Yamaguchi để nhờ chăm sóc. Sau mấy năm, con đã biết gọi “Bố ơi, mẹ ơi”, nên chúng tôi lại đưa con về Hiroshima, cho con nhập viện. Việc trang trải phí điều trị làm chúng tôi vô cùng vất vả, và mẹ tôi đã giúp đỡ nhiều. Thế nhưng tiền vẫn dần hết sạch, nên chúng tôi phải cho con về nhà, và con chúng tôi đã qua đời năm 1952. 

●Suy nghĩ về hòa bình
Tôi không muốn chiến tranh xảy ra nữa. Tôi ước mong thế giới này trở thành thế giới mà người người đều nắm lấy tay nhau. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể sống với tình quan tâm lẫn nhau hàng ngày, thì thật là hạnh phúc biết bao.

 
 

Nghiêm cấm sao chép trái phép, sử dụng trái phép các hình ảnh hay đoạn văn, v.v… được đăng trên trang web này.
HOMEに戻る Top of page
Copyright(c) Hiroshima National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
Copyright(c) Nagasaki National Peace Memorial Hall for the Atomic Bomb Victims
All rights reserved. Unauthorized reproduction of photographs or articles on this website is strictly prohibited.
初めての方へ個人情報保護方針
日本語 英語 ハングル語 中国語 その他の言語